Nghề công tác xã hội - Yêu nghề, chưa đủ!

Phải yêu nghề
Nghề công tác xã hội - Yêu nghề, chưa đủ!

Cách đây 2 năm, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32). Mặc dù CTXH được công nhận là một nghề, tuy nhiên, để tạo động lực cho những người làm nghề CTXH yên tâm bám trụ nghề nghiệp lâu dài không dễ.

Nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè chăm sóc trẻ khuyết tật.

Nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè chăm sóc trẻ khuyết tật.

Phải yêu nghề

Anh Đào Gia Lâm, đã có 10 năm làm công tác quản lý và chăm sóc trại viên, học viên tại các cơ sở xã hội thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết: Học viên ở đây đủ dạng khuyết tật và hầu hết là có hoàn cảnh khó khăn. Người khuyết tật lang thang và khi đưa họ vào đây, nhân viên phải đút cho họ ăn, vệ sinh tắm giặt cho họ. Rồi phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để sớm giúp họ về với gia đình. Hàng ngày, nhân viên phải đi thăm, hỏi han giấc ngủ, tình hình sức khỏe các cụ cao tuổi và các bé còn nhỏ tuổi xem có vấn đề gì khác biệt để báo với bộ phận y tế chăm sóc kịp thời. Thậm chí, có những cụ bị lẫn không chịu ăn còn quát nạt lại thì cũng phải tìm cách dỗ dành. “Tiêu chuẩn chế độ ăn uống của trại viên chỉ có 15.000 đồng/ngày/người, trung tâm phải đi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm bữa ăn sáng, nhất là sữa cho trẻ em. Có những người khi được đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội không có áo quần lành lặn, chúng tôi phải đi tìm quần áo cho họ mặc. Có những việc mà không tiện kể ra nhưng phải là người can đảm, yêu nghề mới bám trụ nổi. Nếu nói về thu nhập, với mức lương thâm niên 10 năm hiện nay chỉ 2,8 triệu đồng/tháng, ít người dám đến với nghề này”, anh Lâm chia sẻ.

Chị Phan Thị Thanh đã có 17 năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Tại đây, mỗi ngày chị chăm sóc cho trẻ bị khuyết tật, trẻ bị bại não không cử động được từ giấc ngủ, miếng ăn và vệ sinh cá nhân hàng ngày cho các em. Chị Thanh cho biết, trong một lần đến thăm trung tâm, thấy thương các em nhỏ quá nên chị đã nộp hồ sơ xin vào làm. Nếu quan tâm đến vấn đề tiền lương thì chẳng ai dám nhận công việc này vì mức lương của chị khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp cũng chưa đến 3 triệu đồng/tháng. “Phải có tình thương yêu các em, yêu nghề mới có thể đảm đương công việc. Nhiều em bệnh nặng, sợ các em ra đi bất ngờ nên nhân viên ở đây phải phân công nhau trực để kiểm tra tình trạng sức khỏe các em. Chăm sóc một đứa trẻ khỏe mạnh đã cực, huống chi là phải chăm sóc nhiều đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo…”, chị Thanh giãi bày.

Xem xét lại chế độ lương

Theo Đề án 32, CTXH là một nghề. Sắp tới cả nước sẽ có 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp và 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo lại... Đây được coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới nhiều triển vọng trên thị trường lao động.

Mặc dù Bộ Nội vụ cách đây hơn 1 năm cũng đã có văn bản hướng dẫn ngạch, bậc lương cho những người làm CTXH nhưng đến thời điểm này, bậc lương này vẫn chưa được áp dụng. Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM bộc bạch: “CTXH là công việc đặc thù, mang tính xã hội, cộng đồng cao nhưng những người làm nghề này chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, quản lý nên chưa đáp ứng yêu cầu tính chuyên nghiệp của công việc. Đa số những người làm nghề CTXH hiện nay bám nghề vì nhiệt tình. Chế độ lương quá thấp lại không có thêm phụ cấp gì đặc biệt. Về lâu dài, cái tâm thôi chưa đủ, mà phải xem xét lại chế độ lương”.

Cả nước hiện có gần 40 trường đại học, cao đẳng, mỗi năm tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên CTXH có bằng tiến sĩ và thạc sĩ còn rất ít, chỉ khoảng 30-40 người. Thậm chí, có trường chưa có giảng viên nào được đào tạo về CTXH mà chỉ được đào tạo ngành học gần giống như ngành xã hội học, nhân học, giáo dục đặc biệt... Bên cạnh đó, còn có tình trạng thiếu hụt sinh viên theo học ngành CTXH. Nguyên nhân do đây là ngành học mới, khá xa lạ với sinh viên đang theo học. Mặt khác, nhận thức của xã hội về ngành CTXH còn hạn chế, bởi thường nhầm lẫn nghề CTXH với từ thiện là một. Ngoài ra, trong quá trình theo học, sinh viên còn e ngại khi phải tiếp xúc với người nhiễm HIV, gái mại dâm, người khuyết tật, trẻ lang thang, người nghèo...

TPHCM hiện có khoảng 400.000 người cao tuổi, trên 44.300 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khoảng 130.000 hộ nghèo (theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm), gần 10.000 người nghiện ma túy, khoảng 100.000 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngân sách... Trong khi đó, đội ngũ làm CTXH mới chỉ có khoảng 5.000 người.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục