Hầu như năm nào, các nhạc viện và trường nghệ thuật cũng bổ sung thêm tân binh cho đội quân lý luận âm nhạc. Vậy mà vẫn có lời phàn nàn: các nhà lý luận biến đi đâu để mảng phê bình cứ triền miên “tắt đài, mất điện”? Có nhận định còn thê thảm hơn: Ở ta không thấy bóng dáng đội ngũ phê bình âm nhạc nào hết!
- Suy nghĩ vụn về những nghịch lý
Năm nào, Hội Nhạc sĩ cũng kết nạp thêm vài nhà lý luận và con số hơn trăm hội viên chuyên ngành lý luận khéo cũng đủ để lập thành một hội độc lập. Thế mà trong bản tổng kết nhiệm kỳ nào, ngành lý luận cũng vẫn kiên trì trụ ở điểm yếu nhất trong cái thế kiềng ba chân sáng tác - biểu diễn - lý luận.
Hơn 700 tờ báo ở ta, hầu như báo nào cũng có chuyên mục âm nhạc hoặc văn hóa, giải trí có liên quan đến âm nhạc. Đó là chưa thống kê bao nhiêu website chuyên ngành, blog cá nhân quan tâm đến âm nhạc. Vậy mà các nhà lý luận vẫn than phiền thiếu diễn đàn múa võ. Những điều nghịch lý như vậy đều có nguyên do nên vẫn cứ tồn tại chưa biết đến bao giờ. Cái “bao giờ” ấy là lúc nào?
Ấy là lúc xóa được cái khoảng cách đáng buồn giữa đào tạo lý luận ở nhạc viện với yêu cầu xã hội, là lúc hoạt động lý luận âm nhạc được xã hội hóa thực sự, là lúc có được sự kết nối thường xuyên giữa nhà lý luận âm nhạc với báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Chuyện vãn về mối quan hệ giữa phê bình âm nhạc và báo chí
Trường đời đã giúp tôi rút ra một công thức: Nhà lý luận âm nhạc + nhà báo = nhà phê bình âm nhạc.
Và tôi cứ ước: giá như nhặt lấy ưu điểm của hai “nhà” đem trộn lại thành một thứ bột để gột nên hồ cho ngành phê bình!
Tiếc là thay vì bù đắp cho nhau thì trong thực tế, hai anh này có vẻ kỵ nhau. Nhà lý luận giễu nhà báo nói phét - càng phét càng lộ sự thiếu hụt kiến thức âm nhạc. Nhà báo chê nhà lý luận cầm tinh con rùa, đợi đến lúc cụ cóc mở miệng thì chuyện thiu rồi, đã thế lại chuyên dùng giọng dạy dỗ, cao đạo và khô khốc chả đâu thèm đăng.
Tuy không ưa nhau nhưng không thể nói hai “nhà” không cần dựa vào nhau. Bao năm nay, nhà lý luận mải bận tâm đến vấn đề hàn lâm kinh viện nên gánh nặng bình luận ca nhạc đã trút cả lên vai nhà báo. Một khi nhà báo đã phải bao sân, mặc nhiên sản phẩm báo chí biến thành đại diện duy nhất cho phê bình. Ai trách cứ gì, nhà lý luận đã có người để tạt bóng sang và nhà báo đã ôm quả bóng trách nhiệm thì phải chịu bị bắt lỗi thôi.
Đổi lại, nhà lý luận đôi khi cũng là cái cọc bám cho nhà báo. “Bí” cái gì, nhà báo cứ việc alô phỏng vấn nhoáng nhoàng, rồi cộng với chút kỹ năng chế biến là xong ngay bài phê bình. Đôi khi cậy thế “phương tiện trong tay ta”, nhà báo không đăng bài phân tích của nhà lý luận mà chỉ nhặt ra vài thông tin để chế thành bài mới. Và không phải lúc nào, nhà báo cũng may mắn với việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành âm nhạc.
Để bắc cầu nối đôi bờ xa cách, Hội Nhạc sĩ và Hội Nhà báo đã đồng thành lập Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí. Mở ra một không gian trao đổi kỹ năng làm nghề từ cả hai phía, bổ sung kinh nghiệm viết phê bình âm nhạc trên báo chí - mong muốn của những người điều hành câu lạc bộ là thế. Song hiện giờ, nhà báo đến đây với thói quen nghề nghiệp vẫn chỉ chăm chắm khai thác tin “nóng”. Buổi sinh hoạt chung nhiều khi bị biến thành cuộc họp báo chất vấn một chiều. Đến phần cung cấp kiến thức âm nhạc, số người cần nghe lại vãn hẳn đi.
Thật ra cũng khó mà trách ai nếu như hai “nhà” có cách nhìn nhận khác nhau trước các vụ việc.
Chẳng hạn có lần nhà báo gửi cho nhà lý luận cả chùm clip nhạc. Choáng váng trước mấy ca sĩ nhí chừng 10 tuổi ăn mặc và đầu tóc y trang ca sĩ Hàn Quốc, với những động tác kệch cỡm và bài hát tán gái còn kệch cỡm hơn, anh lý luận từ chối trả lời phỏng vấn của nhà báo:
- Tôi chịu hết nổi!
Đứng từ góc độ báo chí, không thể bỏ qua hiện tượng bất thường như thế. Nhà báo cố tổng hợp thật nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn để kịp thời lên tiếng ngăn chặn loại “nhạc té ghé” này.
Còn anh lý luận lại lo ngại hậu quả của việc gây chú ý thêm cho những thứ nhảm nhí. Không có người xem, tự nó khắc tàn. Đồng ý là các cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc để chấm dứt kiểu kinh doanh trẻ nhỏ. Đôi khi hô hào các nhà chuyên môn lớn tiếng phê phán không khéo lại khiến nhiều người tò mò cũng muốn coi thử thứ nhạc gì mà người nghe phải buồn nôn. Vô hình trung, báo chí lại tiếp tay quảng cáo cho cái “thảm họa V-pop” đó.
Kể mãi không hết chuyện vặt kém vui về cái nghề dễ đụng chạm, hay mang tiếng, khó viết lách, khó đăng bài và nhuận bút nhỏ nhoi đến mức khó tin. Song, ai trót đeo đuổi cái nghiệp này vẫn không ngừng trông đợi vào một tương lai sáng sủa hơn - một tương lai mà nếu như được hỏi: “Anh (hay chị) muốn con cái nối nghiệp mình không?” thì nhà phê bình không phải ngại ngần khi trả lời: “Có!”
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU