Trên chuyến xe từ TPHCM về miền Tây, xe chạy khoảng nửa tiếng, tài xế bắt đầu nói chuyện điện thoại, bất chấp sai luật giao thông và dễ gây ra tai nạn. Toàn là những lời có cánh, dịu dàng cho một người phụ nữ: “Em mới ngủ dậy à? Uống thuốc chưa? Hôm nay, đi chợ mua thức ăn gì bồi dưỡng nha! Mua cái gì ngon ngon đó, đừng ngại tốn tiền…”.
Tiếng tài xế nói hơi to nên cả xe đều nghe. Hình như ai cũng có chút cảm thông cho người tài xế vì người đầu dây bên kia, chắc là vợ anh vừa dứt bệnh.
Xe chạy được một lúc, lại nghe tài xế nói chuyện điện thoại. Lần này là những câu chửi tục thoát ra từ cái miệng khi nãy nói toàn lời đường mật. Qua những lời đối thoại, người nghe được biết người bị chửi chính là vợ anh ta. Đoạn đường như dài và nóng hơn khi nghe những câu tục tằn thô lỗ thốt ra từ miệng tài xế.
Nhiều khách đi xe lắc đầu, có người đàn ông trung niên góp ý: “Bớt bớt tiếng lại chú ơi!”. Gã tài xế làm như không nghe, vẫn lảm nhảm, cộc cằn qua điện thoại. Chị phụ nữ ngồi cạnh nói: “Chưa bao giờ tôi bị tra tấn trên xe như thế này. Tôi phải lấy số điện thoại về góp ý tài xế này. Xem tính mạng người trên xe như cỏ rác và xúc phạm vợ chịu không nổi”.
Kinh dị hơn vừa chửi vợ xong, gã lại nói chuyện điện thoại ngọt dịu với người phụ nữ khác. Suốt ba tiếng đồng hồ trên xe, hành khách được xem một vở kịch bi hài đầy đủ với những người phụ nữ khác nhau. Gã diễn tỉnh bơ dù biết trên xe có nhiều người phản đối ra mặt. Chợt nhớ, chị hành khách bảo sẽ điện thoại góp ý với hãng xe về chuyện xe của tài xế này. Tôi cũng làm như vậy và hy vọng, những chuyến đi sau sẽ không bị tra tấn kiểu như trên.
Thiện Sơn