Tên nghe lạ, cái nghề cũng lạ. Lạ hơn nữa, ở xung quanh nghề độc đáo này, có không ít giai thoại vừa hư vừa thực...
Nghề có một không hai
Xóm 12, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường – Nam Định) từ lâu đã nổi tiếng bởi nơi đây sản sinh không ít doanh nhân thành đạt. Không những vậy, đây còn được gọi “làng ô tô - làng taxi” vì số lượng người có ô tô riêng rất nhiều, không những thế, thanh niên làng này phần lớn đi lái taxi hoặc làm chủ cả một hãng taxi lớn tại Hà Nội.
Đó là những nghề đã tách khỏi nông nghiệp, tách biệt nông thôn. Còn một nghề tồn tại ở xóm 12 này là nghề lặn bùn, nghề “đặc sệt” nông nghiệp có từ rất lâu đời. Theo ông xóm trưởng Trần Tiến Định, nghề lặn bùn đã xuất hiện cách đây vài trăm năm. Do hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng với truyền thống canh tác lúa ven sông nên nghề lặn bùn vô cùng cần thiết để đưa một số lượng lớn bùn từ đáy sông lên tạo thành “làn”.
“Làn” là phần đất ven sông hoặc ao, được nông dân tạo ra với mục đích trồng lúa nếp lùn, khoai nước hoặc rau muống... nhằm tận dụng tối đa đất màu trồng cấy, tăng thêm thu nhập. Ngày nay, diện tích “làn” còn rất ít nên nghề lặn bùn chủ yếu phục vụ việc gieo mạ nền cứng hoặc trồng cây cảnh. Có lẽ thế, nghề này cũng phải cạnh tranh nhau để tự đào thải. Theo tìm hiểu của phóng viên, 24 xóm của xã Thọ Nghiệp trước đây đều có nghề lặn bùn. Nhưng mấy năm trở lại đây, lao động nông thôn ồ ạt ra thành phố kiếm sống nên nghề lặn bùn dần mai một. Phần nữa nghề này quá khắc nghiệt, vất vả, người bình thường không thể làm được nên nhiều thợ lặn tự bỏ nghề.
Kỹ thuật lặn... bùn
Phải khẳng định nghề lặn bùn cực kỳ gian khổ. Thợ lặn phải ngâm mình, lặn ngụp trong nước hàng giờ để lấy bùn tận đáy ao, đáy sông.
Ông Trần Tiến Quyến từng là lính đặc công thời kỳ chống Mỹ. Sau khi thống nhất đất nước, ông trở về quê hương bám ruộng đồng, ao hồ sinh sống. Lúc đầu, ông theo nhóm thợ trong xóm đi lặn thuê ở khắp các xã, huyện của tỉnh Nam Định. 1 ngày, 10 ngày ông thấy bình thường nhưng ngày thứ 20 trở đi ông như người mất hồn. Ai nói gì cũng không nghe thấy bởi hai tai bị nước ngâm ù đặc, mắt đỏ lõi như cá chày, tóc xơ xác, da mốc xám, đầu óc căng thẳng... Thậm chí, ông còn không dám chạm tay vào nước và không dám tắm vì cứ thấy trong người rờn rợn. Không chịu được, ông bỏ lên Hà Nội đạp xích lô nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Nhiều lần thất nghiệp, ông tính quay lại nghề lặn bùn nhưng… thất bại. Ông Quyến cho biết, không phải ai cũng làm được nghề này đâu, nghề lặn bùn không những thể lực phải cực tốt mà còn phải trường sức...
Ông Trần Tiến Vượng, người có thâm niên 50 năm trong nghề lặn bùn cho hay, trước khi lặn xuống sông, người thợ phải uống nửa bát mắm để làm ấm cơ thể. Khi xuống nước, áp suất giảm mạnh, ai không chịu được sẽ chảy máu cam... Theo ông Vượng, kỹ thuật lặn bùn không hề đơn giản. Người thợ phải học rất nhiều. Bản thân ông Vượng từ khi lên 13 đã theo cha đi lặn bùn nên giờ đây, ông được được mệnh danh là “vua bùn xứ Thổ” (Thổ là tên cũ của xóm 12 – PV).
Ông Vượng cùng một số thợ lặn dẫn tôi đến một địa điểm mà hôm đó, nhóm của ông được thuê lấy bùn. Sau khi làm “thủ tục uống mắm”, ông Vượng xuống giữa một cái ao lớn. Sau vài giây nhún nhảy, ông ngụp mình xuống nước mất tăm. Khoảng một phút sau, ông nhô khỏi mặt nước, đầu tóc dính đầy váng bùn, từ từ tiến lại gần bờ. Khi ông Vượng tiến sát bờ ao, khối bùn nhão ước tính trên 50kg nằm gọn trên đôi tay người thợ lặn lành nghề. Cứ thế, sau mỗi lần nhún nhảy lại mất tăm và khối bùn lớn được đưa lên bờ.
Để thực tế nghề này, tôi xin ông Vượng cho xuống nước lặn thử. Cũng nhún nhảy như thợ rồi lặn xuống vốc bùn nhưng khi áp mình xuống đáy thì không tài nào lấy được bùn vì toàn thân cứ muốn nổi lên mặt nước. Kết quả, tôi chỉ lấy được “khối bùn” to bằng chiếc bát.
Ông Vượng phì cười bảo, nghề này không học không thể làm được. Muốn cơ thể không bị nổi lên thì khi nhún nhảy lúc dùng bàn chân khoanh tròn khối bùn muốn lấy, sau đó thọc sâu hai bàn chân xuống đáy bùn để tạo thế đứng. Sau đó, người thợ sẽ lặn xuống đáy với tư thế ngồi, sục hai bàn tay vào khối bùn mà mình đã khoanh đưa áp lên bụng và dần di chuyển khỏi mặt nước.
May rủi nghiệp lặn...
Xung quanh câu chuyện nghề lặn bùn có không ít giai thoại vừa hư vừa thực. Nhưng thực tế, nghề lặn đã đổi đời cho không ít người may mắn nhưng cũng cướp đi sinh mạng của không ít người xấu số. Ông Trần Viết Bình, một thợ lặn bùn trong nhóm ông Vượng cho biết, thu nhập từ nghề này cũng kha khá tiền. Nếu mùa hè, lặn một ngày có thể được 300.000 đồng. Vào mùa đông cao hơn, có thể được 500.000 đồng/ngày.
Thu nhập khá cao nhưng không phải ngày nào cũng có việc làm nên hầu hết thợ lặn bùn ở đây kiêm luôn việc bốc mộ hoặc mò xác. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người còn giữ được nghề ở xã Thọ Nghiệp nói chung và xóm 12 nói riêng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Nghề này đem lại may mắn cho không ít người đâu chú em ạ...” – ông Bình cho biết. “Năm 1997, một thanh niên trong xã đi lặn bùn thuê đã vớ được cả một hũ vàng. Chẳng biết được bao nhiêu nhưng hắn bỏ nghề ngay sau đó rồi vào Sài Gòn làm ăn, giờ là tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn”.
Chuyện vớ được vàng, đồ cổ từ đáy sông hồ không phải là hiếm. Cách đây không lâu, trong khi đang lặn tại một quãng sông lớn gần nghĩa địa Gò Rô, ông Trần Xuân Tám “bốc” lặn được một chum tiền cổ cùng một số thỏi bạc. Ngay sau đó, mấy người buôn đồ cổ đã đến trả giá gần trăm triệu đồng. Bản thân ông Bình, ông Vượng cũng không hiếm lần lặn được nhẫn hoặc dây chuyền vàng. “Dân gian nói, được vàng thì lụi nhưng với chúng tôi đó là may mắn...” – ông Vượng cho hay.
Ngoài những may mắn ấy, nghề lặn tiềm ẩn không ít rủi ro, đôi khi dẫn đến cái chết. Không ít thợ bùn đã phải bỏ nghề do ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo thống kê của ông trưởng xóm Trần Tiến Định, phần lớn thợ bùn đều bị điếc và những bệnh về mắt do liên tục tiếp xúc với nước bẩn.
Các thợ lặn ở đây cho biết, rủi ro lớn nhất là chết do đột quỵ vì thay đổi áp suất đột ngột. Phần nhiều thợ lặn sau khi xuống nước mới thấy choáng váng, nhịp tim thay đổi dẫn đến tử vong. Mới đây, một thợ lặn ở xóm 23 tử vong do đột quỵ trong khi đang “tác nghiệp”.
Có thể nói, nghề lặn bùn ở Thọ Nghiệp đã và đang mang lại cho nông dân cuộc sống no đủ hơn. Nhưng do làm việc vất vả, không được bảo hộ lao động nên khi rủi ro ập đến, nông dân tự chịu và tự lo tất cả cho những thiệt thòi ấy.
TRẦN THẾ HÒA