Giờ đây, MC được xem là một trong số những nghề thời thượng, được ưa chuộng, có thu nhập tốt và người MC cũng được xem là nghệ sĩ - người của công chúng. Khi các chương trình truyền hình nở rộ, MC càng được “săn đón” hơn và độ hấp dẫn của nghề này cũng từ đó mà lan tỏa nhiều hơn.
Chưa thể chuyên nghiệp
MC - có tên nguyên gốc Master of Ceremonies - Sometimes spelled emcee. Theo từ điển: “MC là người có tính hoạt bát, tự tin trước công chúng, có kiến thức rộng, khôi hài, thanh lịch, duyên dáng, có uy tín với công chúng. MC có khả năng dẫn dắt chương trình như một cầu nối với khán giả, giúp khán giả không chỉ say mê thích thú mà MC còn là một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu chương trình. Chương trình có thành công hay không, phần nhiều do tài năng của MC”.
Hiện nay tại Việt Nam, chưa có trường đào tạo chuyên nghề MC mà chỉ có những khóa học ngắn hạn do các trung tâm hay các nhà văn hóa tổ chức. Các MC của đài truyền hình, phần lớn là những biên tập viên (BTV). Từ năm 2004, HTV - Đài Truyền hình TPHCM đã tổ chức cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” với mục đích tìm kiếm và phát hiện tài năng trong nghiệp vụ dẫn chương trình truyền hình; tuyển chọn những gương mặt phù hợp với những chương trình, nhằm góp phần trẻ hóa đội ngũ những người làm công tác truyền hình. Rất nhiều gương mặt từ cuộc thi này, đã không chỉ phát triển sự nghiệp MC của mình tại đài truyền hình, mà còn tham gia thị trường giải trí nói chung. Tuy nhiên, những MC này chủ yếu làm nghề bằng việc học kinh nghiệm từ những người đi trước là chính. Vì thế, đội ngũ MC tại Việt Nam hiện nay, nói chung, chưa thể được gọi là chuyên nghiệp.
Theo giáo trình môn học ở Khoa Báo chí Đại học Lille (Pháp), có 6 kỹ năng cần phải có của một MC, trong đó điểm nổi bật nhất chính “8 chữ vàng”: Chính xác, linh hoạt, truyền cảm, nhiệt tình (chính xác trong thông tin, linh hoạt trong ứng xử tình huống, truyền cảm trong diễn đạt và nhiệt tình với trách nhiệm cao). Khi chưa đạt được những yêu cầu cơ bản của nghề này, MC cũng chỉ như những “máy nói” của chương trình, rất dễ gặp “tai nạn” không mong đợi và họ sẽ bộc lộ nhược điểm từ chính những sự cố ấy, kiểu như BTV truyền hình văng lời khiếm nhã trong bản tin; chúc “quốc tang nhiều niềm vui” hoặc xin một tràng pháo tay cho nạn nhân vùng bão...
Áp lực cho người làm nghề
“Nghề MC hiện nay quả là rất sôi động. Đây là nghề thu hút nhiều bạn trẻ, bởi nó đem lại khá nhiều thứ - sự nổi tiếng, cơ hội gặp gỡ nhiều người, thu nhập…. Cái khó của nghề MC phụ thuộc vào mỗi giai đoạn trong nghề. Được khen hay chê đều là áp lực”, MC Bùi Đức Bảo, đoạt giải Én vàng 2013, chia sẻ. Sau khi đăng quang “Người dẫn chương trình truyền hình” năm 2013 (giải Én vàng), hiện nay Bùi Đức Bảo khá đắt show, vì anh là một trong số ít các MC truyền hình giao tiếp, dịch tiếng Anh tốt và tự tin trong những chương trình truyền hình trực tiếp.
Các thí sinh đoạt giải Người dẫn chương trình truyền hình năm 2013 - giải Én vàng
Hơn 10 năm gắn bó với công việc dẫn chương trình, MC Quỳnh Trâm cũng cho rằng: “Con đường MC của tôi đã đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc tưởng như phải tìm một ngã rẽ khác, vì nhìn thấy trên con đường mình đi sao có quá nhiều chông gai lẫn thị phi, đố kỵ... Nhưng có lẽ, những điều đó đã giúp tôi thêm bản lĩnh, thêm tự tin để tôi vẫn miệt mài đi trên con đường mà tôi đã chọn. Giờ đây, tuy không xuất hiện nhiều trên các chương trình giải trí nhưng tôi dành nhiều thời gian cho công tác phóng viên, BTV thời sự của HTV nhưng dẫn chương trình vẫn là niềm đam mê của tôi”. Nghệ sĩ Thanh Bạch với thâm niên đứng trên sân khấu trong vai trò MC và hoạt náo viên cũng cho rằng, để thành công với nghề, người MC phải không ngừng học hỏi. Khi chịu khó học hỏi, nghiên cứu đầu tư vào phần “nói” mà mình được giao, sẽ cho người MC sự chủ động và biến phần dẫn dắt của mình trở nên linh hoạt, sống động.
Tuy nhiên trên thực tế, đội ngũ MC hiện nay khá đông đảo nhưng không có nhiều gương mặt tạo ấn tượng và thực sự nổi bật. Được biết, mỗi khi có sự kiện, hay chuẩn bị ra mắt, lên sóng một chương trình truyền hình mới nào đó, các đơn vị truyền thông, nhà đài mất khá nhiều công sức trong việc tìm kiếm gương mặt MC phù hợp - vừa đủ độ chín về nghề và đủ lực thu hút công chúng, khán giả. Để tránh rủi ro, các đơn vị sản xuất đành chọn lại những gương mặt MC “cũ” từ các chương trước. Vì thế, thời gian gần đây, khán giả thường thấy một vài gương mặt MC xuất hiện hết chương trình này đến chương trình khác, dù cho anh ấy (hoặc chị ấy) dẫn vừa “gồng” vừa nhạt. Thế mới hiểu thực trạng MC hiện nay, nhiều thì có nhiều, nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu!
NHƯ HOA