Trên vùng đất đỏ bazan, nghe câu quan họ giữa đồi cà phê ngút ngàn mà chúng tôi ngỡ như đang ở “khúc sông Cầu” của vùng Kinh Bắc. Những làn điệu quan họ được thể hiện bởi các liền anh, liền chị, những người con của quê hương quan họ Bắc Ninh đi vào vùng đất Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) làm kinh tế mới, mang theo giai điệu của quê hương.
Tiếp chúng tôi tại gia đình, bà Tạ Thị Minh Ngọc (57 tuổi, thôn Quang Trung 1, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) trong trang phục truyền thống cùng đàn bầu, trống, sáo đang tập để chuẩn bị cho một buổi diễn tại địa phương.
Ông Đỗ Văn Ấu (67 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khu phố Chi Lăng 3, nhớ lại: “Những năm 1990, chúng tôi là những người đầu tiên ngoài vùng Kinh Bắc vào Lâm Hà lập nghiệp. Ngày đầu khó khăn, thiếu thốn, ban ngày bà con đi làm việc vất vả, tối lại quây quần bên nhau nói chuyện, rồi hát những làn điệu quan họ để khuây khỏa nỗi nhớ quê da diết, bởi quanh đây khi ấy chỉ toàn rừng núi quạnh hiu”. Năm 2010, CLB quan họ Khu phố Chi Lăng 3 được thành lập với 25 thành viên, hai năm sau CLB tổ dân phố chợ Thăng Long và CLB quan họ Hội đồng hương Bắc Ninh (thành viên đến từ thị trấn Nam Ban và các xã Gia Lâm, Đông Thanh, Nam Hà, Mê Linh của huyện Lâm Hà) ra đời.
Hàng tuần, thành viên trong các CLB tập hợp lại và cùng hát những làn điệu quen thuộc như: Thỏa nỗi nhớ mong, Mười nhớ, Khách đến chơi nhà... Ngoài ra, những bài quan họ lời mới cũng được tập luyện và đi biểu diễn như: Tình hai quê, Lâm Hà gửi Thăng Long, Gửi đảo xa khúc hát quan họ... Tất cả trang phục gồm áo the, khăn xếp, khăn mỏ quạ, nón ba tầm, ô lục soạn, nhạc cụ… đều giao cho các thành viên trực tiếp ra Bắc Ninh mua bằng kinh phí tự túc. Theo những người lớn tuổi trong các CLB, nếu muốn hát quan họ hay phải thực hiện điêu luyện kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy”, có thể hát cho vui nhưng khi diễn phải giữ nguyên cái gốc, không hát bừa được, như thế mới là người quan họ xứ Kinh Bắc.
Thành viên CLB quan họ Hội đồng hương Bắc Ninh tập hát trước các buổi diễn.
Từ thế hệ ông bà, bố mẹ, tình yêu quan họ lan tỏa đến các “liền anh, chị nhí” mới chỉ 8 - 9 tuổi. Dù không được sinh ra trên quê hương quan họ, không được uống nước sông Cầu nhưng chất men nồng quan họ vẫn được ủ trong tâm hồn trẻ thơ. Những khi biểu diễn văn nghệ tại trường học, tiết mục do các em trình diễn luôn tạo cảm giác mới lạ trên vùng đất đỏ bazan này. Thành viên của các CLB có khi cả ba thế hệ cùng tham gia, như gia đình ông Đỗ Văn Ấu gồm ông bà, bố mẹ và cháu gái, tất cả mọi người đều hát vì đam mê, nhưng cũng để góp phần gìn giữ nét văn hóa của vùng Kinh Bắc trên quê hương mới. Hát quan họ trên cao nguyên giờ không chỉ là của người gốc Kinh Bắc, có những người từ miền quê khác như Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tây (cũ)... vì thích thú giai điệu ngọt ngào của quan họ nên cũng xin gia nhập để được hát, được say sưa với các làn điệu.
Ông Hoàng Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, cho biết: “Thị trấn có 20 tổ dân phố với hơn 11.000 dân, trong đó khoảng 3.000 người đến từ vùng Kinh Bắc. Gần 100 thành viên trong 3 CLB, hoạt động rất tích cực làm phong phú thêm phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Sắp tới chúng tôi dự định sẽ kết hợp biểu diễn quan họ với các “đặc sản” du lịch của địa phương như ở thác Voi, nhà ươm tơ, nhà văn hóa trong tour du lịch từ Đà Lạt xuống Nam Ban”.
ĐOÀN KIÊN