Nghệ sĩ Linh Huyền: Bại không nản!

Nghệ sĩ Linh Huyền: Bại không nản!

1- Với mong muốn thực hiện những vở diễn cải lương được đầu tư nghiêm túc và diễn trọn một vở tuồng nhằm tạo đất dụng võ, rèn nghề cho nghệ sĩ và phục vụ khán giả trong – ngoài nước ở một nơi sang trọng, nghệ sĩ Linh Huyền đã chọn Nhà hát thành phố làm bến đỗ.

Từ tháng 5-2010, cứ vào ngày 22 hàng tháng, khán giả đến điểm diễn này sẽ được thưởng thức vở cải lương “Bà chúa thơ Nôm” (tác giả Linh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) qua sự thể hiện của các NSƯT và nhiều tài năng thiết kế sân khấu, phục trang, âm nhạc. Tuy nhiên, chỉ sau 4 suất diễn, “bầu” Linh Huyền đã phải bù lỗ trên 250 triệu đồng. Dẫu vạn sự khởi đầu nan, nhưng Linh Huyền vẫn quyết tâm đeo đuổi ước nguyện của mình.

Mới đây, chị cho biết, từ ngày 30-10, vở “Bà chúa thơ Nôm” sẽ được dời về rạp Kim Châu, TPHCM biểu diễn thường xuyên với giá vé 120.000 – 150.000 đồng/vé, ưu tiên giảm 50% giá vé đối với các khán giả là sinh viên, học sinh.

Nghệ sĩ Linh Huyền thổ lộ: “Khi an cư ở rạp Kim Châu, tôi sẽ tiếp tục đầu tư dựng những vở diễn mới về các nhân vật lịch sử: Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm… qua đó phần nào giúp dân ta biết yêu sử ta. Với Linh Huyền, dường như lúc khó khăn nhất là tinh thần làm việc lên cao nhất, bại không nản, thua keo này bày keo khác!”.

NSƯT Thanh Thanh Hiền (trái) và NS Tô Châu trong vở “Bà Chúa thơ Nôm” do nghệ sĩ Linh Huyền là tác giả kịch bản.

NSƯT Thanh Thanh Hiền (trái) và NS Tô Châu trong vở “Bà Chúa thơ Nôm” do nghệ sĩ Linh Huyền là tác giả kịch bản.

2- Điều đáng quý ở nghệ sĩ Linh Huyền là lòng yêu nghề, say mê nghệ thuật cải lương. Hiện nay, bên cạnh việc đầu tư dàn dựng, biểu diễn trọn một vở tuồng cải lương, chị còn mở những lớp dạy cải lương, trong đó có dạy ca diễn, hóa trang, vũ đạo và cả sáng tác kịch bản. Những người tham gia giảng dạy gồm NSƯT Xuân Chính, NSƯT Diệu Đức, nghệ sĩ Bạch Long, Lê Tuấn và Linh Huyền. Riêng NSƯT Xuân Chính sẽ giảng dạy về đào tạo chuyên viên hóa trang chuyên nghiệp và đào tạo hóa trang nhân vật phục vụ diễn xuất.

Có thể nói, những lớp học này cần thiết cho các bạn trẻ, những tay ngang muốn rẽ sang theo học nghệ thuật cải lương. Linh Huyền chia sẻ: “Với vốn liếng, tài liệu của thầy Út Trong để lại, nếu không phát huy, tôi thấy rất lãng phí. Cho nên tôi mới quyết tâm mở những lớp dạy về cải lương để qua đó lưu giữ, phát huy những bài bản cải lương. Cải lương có hàng trăm bài bản lớn nhỏ và hiện nay nhiều bài bản gần như thất truyền, hiếm nghệ sĩ biết…”.

Những lớp học này sẽ được tổ chức giảng dạy tại Trung tâm văn hóa quận 3, TPHCM. Đặc biệt, học viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn giảm học phí.

Có thể nói, trong tình hình sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn thì với những suy nghĩ và cách làm của Linh Huyền thật đáng trân trọng, đặc biệt là tinh thần “bại không nản”.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục