Hàng chục khóa đào tạo, hàng chục trại sáng tác khắp các tỉnh thành được tổ chức. Nhiếp ảnh nghệ thuật phát triển thế nào trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Đồng Đức Thành - Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.FIAP), Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TPHCM.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về phong trào nhiếp ảnh tại TPHCM hiện nay?
Nghệ sĩ nhiếp ảnh ĐỒNG ĐỨC THÀNH: Phong trào nhiếp ảnh tại TPHCM hiện nay vẫn giữ nhịp đều với các hoạt động cả về chất và lượng. Các cuộc thi, trại sáng tác, lớp học, các buổi workshop do Hội nhiếp ảnh TPHCM (HOPA) và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) duy trì và tổ chức thường xuyên, được đông đảo tác giả TP nhiệt tình tham dự.
Ở sân chơi quốc tế, nhiếp ảnh nghệ thuật TPHCM vài năm gần đây có vẻ khá trầm lắng, chưa có nhiều nổi bật, ông nhận định thế nào?
Mỗi năm có 8 cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật ở 8 khu vực; 2 cuộc thi ảnh do VAPA, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) tổ chức cấp quốc gia và quốc tế; các cuộc thi cấp tỉnh, hội văn học nghệ thuật địa phương cùng nhiều đơn vị, ban ngành tổ chức, với hàng chục ngàn bức ảnh của hàng ngàn tác giả tham gia. Ngoài ra, các tác giả còn tự gửi ảnh tham gia hàng trăm cuộc thi quốc tế. Thực tế, nhiều thành viên của Hội Nhiếp ảnh TP vẫn kín về chuyên môn suốt năm. Hàng trăm giải thưởng được trao thì không thể gọi là trầm lắng được. Động thì nhiều, nhưng sôi động thì ít! Chúng ta chưa quan tâm sát sao đến các hoạt động, chưa nhạy cảm với các “độ sôi” đó thôi.
So với điều kiện trước đây, đội ngũ sáng tác hiện nay có rất nhiều thuận lợi về máy móc và phương tiện kỹ thuật. Còn những khó khăn của họ là gì, thưa ông?
Đúng là đã và đang có thuận lợi về phương tiện máy móc, rất nhiều thông tin, kỹ thuật mới được cập nhật tức thời, các tay máy cầu tiến, say mê tiếp thu và trang bị. Để hỗ trợ và khích lệ các bạn trẻ, Hội Nhiếp ảnh TP có nhiều nhận định mang tính định hướng về khuynh hướng và quan điểm trong sáng tác. Tuy nhiên, được các tác giả chia sẻ nhiều hay không thì còn chậm.
Khó khăn ư? Cái khó nhất là mỗi người sáng tác phải xem ảnh, thuộc lòng các ảnh đẹp đã xuất hiện, để tránh lặp lại! Tất cả chi tiết đẹp đã được người khác thực hiện sẽ là các dưỡng chất bồi bổ cho người sáng tác chụp đẹp hơn, sáng tạo khác đi… trên đường tìm chân - thiện - mỹ. Hơn thế nữa, phải vượt lên, không lặp lại chính mình.
Đề tài sáng tác phải chăng đang là vấn đề của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay?
Các tác giả đã thành đạt, đã có tên, đã định hình vẫn đang theo đuổi mục tiêu của riêng mình. Đó là nhu cầu tự thân, vì khi còn có tác phẩm là chứng minh được sự tồn tại của mình. Nhưng thú thật, mọi sự chờ đợi thú vị tôi đều hướng đến các tác giả trẻ, chưa là hội viên. Đây là một lực lượng rất tiềm năng, đa dạng và tinh khôi.
Về đề tài, thử nhìn sang xứ người một chút: Ở Brazil, Sebastião Salgado - một tác giả tập sách ảnh đồ sộ Genesis (tạm dịch: Sáng thế) gần 600 trang là người có năng lực, đầu tư, tâm huyết tìm đề tài, tìm bạn đồng hành, không nhất thiết là cơ quan nhà nước hay cơ quan quản lý. Anh đã gặp, trình bày dự án nhiếp ảnh, chia sẻ về ý tưởng, kế hoạch chiến lược, chiến thuật với các cơ quan thông tấn, tư nhân… để cùng xúc tiến, triển khai thành công trình tập sách quy mô. Sebastião nói: “Đề tài không mới, nhưng nóng! Tôi gặp người bạn thân đang là kỹ sư về rừng, bắt đầu trồng cây. Năm đầu tiên, chúng tôi mất rất nhiều cây, năm thứ hai mất ít hơn, dần dần mảnh đất chết bắt đầu hồi sinh. Chúng tôi trồng hàng trăm ngàn loài cây bản địa nhằm xây dựng một hệ sinh thái giống hệt trước khi bị phá hủy. Cuộc sống tuyệt vời trở lại. Mảnh đất trở thành công viên quốc gia, chúng tôi lập học viện và dự án môi trường để quyên góp tiền khắp nơi: Tây Ban Nha, Ý, rất nhiều công ty ở Brazil và chính phủ cùng đầu tư vào. Tôi ước ao quay lại với nhiếp ảnh, không chỉ có con người, tôi chụp các sinh vật khác và phong cảnh. Từ năm 2004 đến cuối 2011, tôi chụp một lượng ảnh khổng lồ. Tôi muốn giới thiệu những điều quý giá ta có trên hành tinh và cái chúng ta cần giữ nếu muốn sự cân bằng trong cuộc sống”.
Thế ở ta thì sao? Thật ra ta hiền hòa, cam chịu, ít dám đột phá nên những dự án hình ảnh sôi động, gây tiếng vang thật hiếm. Hiếm nhưng không phải là không có. Nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao đã lặn lội đường xa đến gặp đôi vợ chồng già sống lênh đênh trên bãi sông Hồng. Thuyết phục mãi, họ mới đồng ý cho anh chụp bộ ảnh “chuyện tình” của hai người. Ông Thành là người dân tộc thiểu số, bà Thủy quê Thái Bình, cả hai mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Họ gặp nhau ở bãi rác, ngày nào cũng giành rác, đến nỗi đi đến quyết định về một nhà để đỡ phải tranh nhau. Mới đầu, ông bị đuổi đi, ông vớt giùm xác người trôi sông, người ta cảm thương để ông bà ở lại. Sức khỏe bà yếu, ông chăm chỉ đi sớm về muộn nhặt rác mưu sinh. Căn nhà chẳng có gì đáng giá nhưng không bao giờ thiếu 2 chiếc điếu cày, ông 1 cái bà 1 cái, vì ông bảo “đỡ phải tranh nhau”. Tình yêu của họ là thứ khó định nghĩa được, chưa lần nào ông bà dám mơ về đám cưới của mình. “Chúng tôi đã mang đến niềm vui nhỏ mà ông bà chưa bao giờ nghĩ đến - một đám cưới nhỏ xinh đơn giản, để ông được nói đôi lời từ đáy lòng với bà”, Hải Lê Cao tâm sự. Một bộ ảnh dung dị, chủ đề đầy tính nhân văn. Nhưng dự thi thì cần nhiều yếu tố khác và phù hợp chủ đề thì mới mong đoạt giải! Dư luận xã hội, truyền thông, hội… đã đánh giá đúng mức bộ ảnh quý hiếm, đẹp này chưa? Tôi nghĩ là chưa.
Trở lại chủ đề, các tay máy trẻ hiện nay rất năng động, đề tài cuộc sống như kính vạn hoa. Sẽ bế tắc với ai dễ bí và thật mở với những người tâm huyết. Đây là lẽ thường tình.
Như các bạn Trần Tuấn Việt, nhất là Lê Nguyễn, Huỳnh Lê Viễn Duy chưa là hội viên VAPA, ở tỉnh chưa mạnh về phong trào, những nhà nhiếp ảnh “nghiệp dư” hàng ngày còn bận rộn thương trường, nhưng vẫn cho độc giả chiêm ngưỡng những bức ảnh với kỹ thuật chụp rất khỏe khoắn, hiện đại. Các nhà nhiếp ảnh trẻ Hồ Lê Hoàng Vũ, Lê Hữu Dũng luôn trung thành với các tác phẩm mượt mà, giá trị thẩm mỹ cao, thực hiện công phu, hứa hẹn còn nhiều khám phá ở phía trước. Có thể kỳ vọng, bởi sức trẻ của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đang hứa hẹn, tràn đầy sức sống.