
Còn nhớ tập sách ảnh nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Duy Anh gửi tặng tôi năm 2000 với nhiều thể loại, nhưng các bức ảnh ấn tượng mà tôi nhớ mãi là thể hiện những người chiến sĩ với vẻ đẹp dung dị qua tư duy và góc nhìn đầy xúc cảm của anh. Đến năm 2009, anh đoạt 32 giải về đề tài người lính.
Duy Anh thể hiện người chiến sĩ qua ảnh nghệ thuật hay ảnh báo chí cũng đầy cảm xúc: sâu lắng, duyên dáng, đầy tình thương yêu và lãng mạn. Một bà mẹ ngồi dán mắt vào doanh trại, xa xa là những tân binh ra vào, vợ gặp chồng, con gặp cha. Mẹ vẫn ngồi đó mắt chờ mong với chiếc giỏ cói đầy những gói mì tôm - “Má chờ thằng út”!, mộc mạc quá, bao nhiêu tình thương má dành cho đứa con đã trở thành người lính.
Bức ảnh mang tính thời sự báo chí mà được Duy Anh tạo hình rất nghệ thuật, ấn tượng, tác phẩm đạt Huy chương vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật TPHCM năm 1991, Huy chương bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật toàn quốc 1992 và cũng là tác phẩm khởi nguồn cho “cuộc chơi” với 165 giải thưởng của anh.
Mỗi tác giả đến với ảnh nghệ thuật đều chọn cho mình một chủ đề nhằm tạo một nét riêng. Với Duy Anh, có thể nói anh là người có duyên nợ với người lính. Hình ảnh người chiến sĩ QĐND Việt Nam luôn xuất hiện trong tác phẩm của anh và trở nên thân thiện, đầy thương mến.
Ánh sáng, bố cục tạo hình, khoảnh khắc bấm máy cũng như ý tưởng đều được Duy Anh gửi gắm trong từng tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm ghi dấu khoảnh khắc cảm động của người lính chia tay với mẹ trong buổi lễ giao quân.

“Tưởng niệm”. Ảnh: DUY ANH
Nhiều người cho rằng đề tài người lính dễ khô khan, nhưng với Duy Anh thì không. Sự hồn nhiên vui tính; những hy sinh gian khổ của người chiến sĩ luôn là nguồn cảm hứng giúp anh có những tác phẩm tốt. Ảnh của anh không thấy súng ống, khí tài, xe tăng… mà chỉ có những cái đèn trung thu bằng lon bia của người lính biên phòng, gánh củi gánh giúp mẹ già qua cầu khỉ chênh vênh…
Còn duyên nợ với những người lính thì đầy ắp, bởi nhiều chiến sĩ trong tác phẩm đạt giải của anh, khi xuất ngũ trở về vẫn tìm đến anh để làm bạn, rồi làm người “mẫu”. Trong album cưới của họ, anh rất thú vị và hạnh phúc khi gặp lại họ trong ngày vui của đời người, và với những chàng rể đặc biệt này anh đều chụp tặng ảnh cưới như là một sự tri ân.
Về bộ ảnh “Đến với Trường Sa” là thành quả tập hợp từ tình cảm mến phục các chiến sĩ, là sự sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn của các chiến sĩ Trường Sa và cả tinh thần lao động nghiêm túc của một nhà báo, nhà nhiếp ảnh. Năm 2007 bộ ảnh “Đến với Trường Sa” được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN trao giải II, giải đặc biệt Hội Nhà báo VN tỉnh Tiền Giang về ảnh Báo chí 2008.
Trước đó, năm 2004 giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng, NSNA Duy Anh cũng đoạt giải B với tác phẩm “Tình ngoại”. Năm 2009 này anh đã xuất sắc đạt giải A, tiếp tục khẳng định “cái duyên” với đề tài người lính.
Mới đây Duy Anh làm tiếp bộ ảnh “Xanh mãi Trường Sa” triển lãm tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM, từ ngày 16-12 đến ngày 26-12-2009, với 65 ảnh, mỗi bức ảnh là một câu chuyện về những người lính Trường Sa và đâu cũng là biển xanh thẫm, bàng bạc khắp nơi.
“Tưởng niệm” là bức ảnh anh thích nhất. Đứng từ con tàu, anh đã chồm người ra, từ trên rất cao mới có thể lấy hết được cả dòng người đang tưởng niệm cùng tràng hoa đỏ sao vàng được thả xuống biển mênh mông, hun hút với những đợt sóng bạc đầu nhấp nhô là hậu cảnh cho những khoảnh khắc đầy tình quân dân. Có những khoảnh khắc lắng đọng trong hồi niệm về những liệt sĩ đã hy sinh trên biển đảo Tổ quốc, nhưng cũng có những phút giây hạnh phúc trên nụ cười người lính bên đồng đội, bên những cô gái từ thành phố ra thăm…
An Dung