Lần đầu tiên chinh phục khán giả TPHCM với vẻ mảnh mai và tiếng sáo nhẹ nhàng, giàu xúc cảm trong Đêm nhạc Toyota Classics 2014, Nguyễn Ly Hương (ảnh) để lại một ấn tượng đẹp.
Ít người biết rằng tài năng âm nhạc trẻ này chỉ mới 24 tuổi và là người Việt Nam duy nhất được chọn biểu diễn trong buổi hòa nhạc đẳng cấp này cùng với dàn nhạc và các nghệ sĩ danh tiếng của thế giới.
Sinh năm 1990, Nguyễn Ly Hương hiện đang học sáo flute tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2000, khi mới lên 10, cô đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Với tư cách là nhạc công, từ năm 2005 đến nay, cô tham gia rất nhiều buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc - Vũ kịch TPHCM, Dàn nhạc Giao hưởng Học viện Huế, các nhóm hòa tấu thính phòng… Năm 2013 cô đoạt giải nhất tại cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ năm 2013 tại Nam Ninh (Trung Quốc).
* Đứng cùng Dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloist thuộc nhà hát opera Hoàng gia Anh quốc, cùng với hai nghệ sĩ danh tiếng Pamela Tan Nicholson (mẹ của thần đồng Vannesa Mae) và Vasco Vassilev, thần đồng âm nhạc Bulgaria, trong một chương trình lớn, chị có bị áp lực khi đứng trên sân khấu?
* Đối với tôi, chỉ có thể nói đó là một niềm tự hào rất lớn và là một khoảnh khắc rất khó quên. Tôi đã rất hồi hộp nhưng rồi đã làm chủ được mình và đã cống hiến hết sức cho đêm hòa nhạc này. Thú thực là trước đó tôi cũng cảm thấy sức ép rất lớn khi nhận được lời mời tham gia chương trình này. Các chương trình Toyota Classics luôn là những đêm nhạc cổ điển đẳng cấp với các dàn nhạc và nghệ sĩ trình diễn hàng đầu của thế giới. Ngay cả các nghệ sĩ Việt Nam được mời tham dự chương trình này những năm trước, như các nghệ sĩ: Đặng Thái Sơn, Ngô Hoàng Quân, Nguyễn Hữu Nguyên, Bùi Công Duy, Lưu Hồng Quang, Lê Hoài Nam…cũng đều là những tên tuổi mà tôi ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, khi tập luyện cùng dàn nhạc Anh quốc, sự chuyên nghiệp của họ đã giúp tôi lấy lại sự tự tin rất nhiều. Mặt khác, tôi hiểu rằng, đây thật sự là một cơ hội cho bản thân tôi và cho cả những người trẻ như tôi được có mặt trong một chương trình đẳng cấp như thế, vậy thì phải thể hiện tất cả những gì mình có thể.
* Ba năm rồi, một chương trình âm nhạc đẳng cấp quốc tế như Toyota Classics mới trở lại TPHCM. Và cũng hiếm hoi như thế cơ hội để một nghệ sĩ như chị biểu diễn tại một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật của cả nước. Chị nghĩ thế nào về điều ấy?
* Với tôi, được diễn trong chương trình Toyota Classics 2014 là một cơ hội. Nhưng tôi nghĩ, đến với đêm nhạc vừa qua cũng là một cơ hội cho khán giả. Khán giả thành phố biết thêm về chúng tôi, biết thêm về nhạc phim trong dáng vẻ cổ điển, biết thêm rằng trong âm nhạc có rất nhiều phong cách khác nhau, nhiều hướng phát triển khác nhau. Hơn nữa, tại Việt Nam, nhạc giao hưởng đang bị âm nhạc thị trường lấn át thì việc tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng được tiếp xúc, được lắng nghe nhạc giao hưởng, trong một dáng vẻ mới, là rất cần thiết. Đó thật sự là điều mà tôi hy vọng phần nào mình sẽ làm được.
* Vậy có bao giờ chị nghĩ lại rằng vì sao mình không chọn những nhạc cụ có nhiều người nghe hơn như violin hay piano trong khi sáo flute lại có phân khúc người nghe khá nhỏ?
* Tôi học organ trước khi đến với cây sáo và tôi đã thi đỗ Nhạc viện cũng là nhờ organ. Nhưng cho đến một hôm, các giáo sư bộ môn Kèn đã nhìn thấy trong tôi có tố chất của người thổi sáo như trường hơi, ổn định, có sức khỏe tốt nên đề nghị tôi thử học. Và sau đó, càng học tôi càng yêu thích loại nhạc cụ này và gắn bó đến giờ.
* Trong cuộc sống, nhạc cổ điển tại Việt Nam và ở phân khúc nhỏ như sáo flute, bố mẹ chị đã đặt niềm tin gì vào cô con gái của mình để tạo mọi điều kiện cho con phát triển? Chắc hẳn chị cũng thấy con đường mình đi, về mặt vật chất là khó khăn?
* Đúng là khó nhưng trước hết là lòng đam mê. Bố mẹ tôi hiểu điều này nên cũng hết sức tạo mọi điều kiện để tôi được học tốt. Hiện tại tôi vẫn đang tiếp tục học và gia đình vẫn là chỗ dựa của tôi, tất nhiên tôi cũng vẫn có những cuộc biểu diễn và những thu nhập này cũng tạm đủ cho những sinh hoạt trong cuộc sống.
* Đã bao giờ chị nghĩ rằng mình đi sai đường?
* Tôi chưa bao giờ nghĩ vậy. Vì thật ra con đường âm nhạc đã được tôi chọn từ khi còn bé và cây sáo flute đã gắn bó với tôi từ rất lâu, đến nay đã là 15 năm. Đối với tôi, cây sáo đã gắn liền như một phần quan trọng của cuộc sống và tôi luôn cố gắng để đạt được những thành công trên con đường mà mình đã chọn. Rất may mắn là tôi có được một gia đình mà bố mẹ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi được học tập và tôi cũng có một người thầy gắn bó với mình suốt 15 năm nay là Thạc sĩ, giảng viên Nguyễn Trung Thành. Thầy dạy tôi từ lúc tôi thổi những nốt đầu tiên và cho đến tận bây giờ. Mọi sự thành công của tôi phần lớn là sự dạy dỗ, giáo dục của thầy.
* Nếu có một cơ hội để nổi tiếng hơn, nhiều người biết hơn là… thổi flute, thì chị có sẵn sàng thay đổi không?
* Hiện nay tôi chỉ có một hướng đi là hoàn thiện nốt những kỹ năng của mình. Âm nhạc cổ điển là một lĩnh vực rất rộng lớn, ta càng đi càng thấy bầu trời ấy to lớn, vĩ đại. Cũng có thể có những thời điểm nào đó về sau tôi cũng có những kế hoạch để đưa âm nhạc cổ điển tiến gần hơn với giới trẻ và đương nhiên sẽ gắn liền với cây sáo flute. Còn sang hẳn những lĩnh vực khác thì chắc chắn là không.
* Cảm ơn Ly Hương.
ANH VÂN (thực hiện)