Từ vị trí chỉ trung bình 20 - 25 HCV tại các kỳ SEA Games trước, nước chủ nhà Myanmar đã đăng ký chỉ tiêu 100 HCV, một cú “đại nhảy vọt” không tưởng ở SEA Games này. Nhưng với làng thể thao Đông Nam Á, đó không phải điều bất ngờ, bởi chỉ cần đưa thêm nội dung các môn thế mạnh, bổ sung vài môn “lạ” thì sẽ tính ra được số HCV.
Hoặc như đoàn Việt Nam, chỉ tiêu là 70 HCV, nhưng Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang thậm chí dự báo sẽ có đến 85 HCV, tức tăng hơn mức đăng ký đến 15 chiếc. Vì kiểu “đếm huy chương” trước giờ thi đấu này mà những môn như wushu đang diễn ra những ngày qua được giới truyền thông tường thuật chi tiết đến từng… giọt nước mắt, bởi đơn giản những HCV ban đầu bao giờ cũng quý, chứ vài ngày nữa, chẳng còn thời gian đâu mà đào sâu các chi tiết liên quan đến từng VĐV khi HCV đổ xuống như mưa.
Vì lý do này mà các trường hợp đoạt HCB nhanh chóng đi vào quên lãng hoặc như trường hợp gãy côn, bỏ thi đấu của VĐV Trần Mạnh Quyền (nội dung wushu) đáng lẽ ra phải rút kinh nghiệm sâu sắc thì ít được đề cập.
Cũng vì phong trào “đếm huy chương” nên mới có chuyện đội U.23 Philippines hay 2 đội bóng đá nữ Indonesia, Timor Leste bỏ cuộc vào giờ chót, gây khó khăn cho nhà tổ chức. Đơn giản vì quan điểm của nhiều đoàn thể thao là đến SEA Games để đoạt huy chương, còn nhắm không được thì… ở nhà, việc phát triển phong trào tính sau. Đây cũng là lý do các quốc gia thường xuyên ở bên dưới bảng xếp hạng chỉ cử số VĐV ít ỏi đến SEA Games và chỉ lựa những môn ít quốc gia đăng ký để tham gia nhằm ít nhất cũng được HCĐ.
Thống kê cho thấy, 5 quốc gia thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng đoạt đến 80% số lượng HCV khiến cho việc phát triển phong trào (vốn là tiêu chí quan trọng nhất của SEA Games) cũng như tính tranh đua cùng nâng cao thành tích, không còn đúng thực chất.
Phải chăng vì HCV quá dễ để tính toán nên môn bóng đá mới được quan tâm nhất tại SEA Games, dù chỉ có đúng 1 chiếc.
YẾN PHƯƠNG