Với các tỉnh thành phía Nam, nghệ thuật tuồng cổ có hát bội và cải lương tuồng cổ (cải lương Hồ Quảng). Từ nhiều năm qua, trong khi các đoàn cải lương tuồng cổ dần mất, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM vẫn kiên định với nghề. Tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công luôn chung tay, góp sức gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống trong muôn vàn khó khăn.
Buông lỏng nhóm hát tư nhân
Chưa bao giờ, loại hình tuồng cổ diễn ở các đình, chùa, miếu vào các dịp cúng tế, lễ Kỳ Yên… lại hoạt động nhộn nhịp đến vậy. Bên cạnh các suất diễn của nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM, còn có hàng chục nhóm hát tuồng cổ tư nhân đang hoạt động ồn ào, ngoài tầm kiểm soát của ngành văn hóa.
Nắm bắt tâm lý chung của khán giả vùng ven và ngoại thành thích coi hát tuồng gần đây, nhiều nhóm hát tư nhân xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Các nhóm này hoạt động với chỉ một ngôi sao cùng dàn diễn viên không mấy tên tuổi, hay chen các màn ca diễn Hồ Quảng vào chương trình và luôn ký hợp đồng giá thấp hơn so với nhà hát để tranh giành sô diễn. Nhóm thường do một số nghệ sĩ biết chút ít về hát tuồng thu nhận một số nghệ sĩ chuyên đi hát tuồng cổ, Hồ Quảng để hình thành nhóm hát tư nhân.
Đa phần chương trình biểu diễn của nhóm hát kiểu này rất nhanh gọn, tùy tiện không tuồng tích nghệ thuật, không kịch bản, dễ dãi với những tiết mục! Đã có một số chương trình hỗn tạp, làm mất hình tượng đẹp của sân khấu cúng lễ, gây không ít bức xúc cho người đi lễ và công chúng yêu nghệ thuật tuồng cổ.
Chính việc quản lý, cấp phép cho các nhóm hát tư nhân hiện còn lỏng lẻo đã tạo nên mối quan ngại cho những người làm nghề chân chính. Nghệ thuật tuồng cổ đã và đang bị một số người lạm dụng để kinh doanh, bất chấp tai tiếng.
Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống
Mỗi năm, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM thực hiện hơn 30 suất diễn phục vụ, trên 70 suất diễn có doanh thu (8 triệu đồng/suất). Khoản thu ít ỏi này phải trả cho việc phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng; trả thù lao cho diễn viên, nhạc công, hậu đài một vở diễn (từ 36 đến 45 người), nên tính ra khoản tiền cát-sê của nghệ sĩ rất thấp (vai quân sĩ 45.000 đồng, nhạc công 70.000 đồng, diễn viên chính 100.000 đồng/một suất 3 giờ). Mức cát-sê quá khiêm tốn này được duy trì từ năm 2000 đến nay.
Tính ra, bên cạnh lương cứng, tiền bồi dưỡng của nhiều diễn viên không đến 1 triệu đồng/tháng. Thế nên, để giữ nghề, rất nhiều người phải làm thêm nghề tay trái như phụ hồ, thợ điện, mở quán ăn uống, tiệm uốn tóc. Không ít anh em phải nhờ gia đình hỗ trợ. Đó chính là một thử thách lớn với nghệ sĩ.
Tuy vậy, bất chấp những khó khăn, vất vả, tập thể nhân viên nhà hát vẫn luôn cố gắng giữ ngọn lửa yêu nghề. Đặc biệt, những năm gần đây, dàn diễn viên kỳ cựu của nhà hát như các NSƯT: Kim Thanh, Ngọc Dung, Xuân Quan, Ngọc Nga, Hữu Danh, Hữu Nhi, Linh Hiền, nghệ sĩ Đông Hồ, Nguyễn Hoàn… đã góp sức không nhỏ trong việc truyền nghề, đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ, sáng tác kịch bản sân khấu tuồng cổ. Nhưng, đáng khích lệ hơn hết chính là lớp đào tạo diễn viên trẻ đã duy trì được 14 em, trong đó có các gương mặt nổi bật như Anh Thy, Bảo Châu, Minh Khương, Thanh Bình… hội đủ cả tài năng và nhiệt huyết, có thể tiếp nối truyền thống, giữ gìn và phát triển nghệ thuật tuồng cổ dân tộc.
Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM - NSƯT Phan Ngọc Nga chia sẻ: “Vấn đề an cư lạc nghiệp hiện là mối quan tâm lớn nhất của anh em nghệ sĩ. Nhà hát rất mong có một điểm diễn cố định, để sân khấu có thể sáng đèn hàng đêm và quảng bá nghệ thuật tuồng đến du khách quốc tế. Nhưng hiện nay rạp Long Phụng đang xuống cấp trầm trọng nên chỉ là nơi hội tụ anh em để sinh hoạt nghề, tập tuồng. Việc không có điểm diễn thật khó để nhà hát phát triển”.
Nỗi lo của người quản lý cũng chính là nỗi lo chung của anh em nghệ sĩ và những ai quan tâm đến sự tồn tại, phát triển của bộ môn nghệ thuật đặc biệt này.
THÚY BÌNH – PHƯƠNG VŨ