Nghệ thuật xử phạt học sinh

Quan trọng hơn hết là sự phối hợp thường xuyên giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh để các biện pháp giáo dục vừa bảo đảm tính răn đe vừa không ảnh hưởng việc học, nhất là với học sinh các lớp cuối cấp.

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra ít nhất 3 vụ việc học sinh đánh nhau bị quay clip lan truyền trên mạng xã hội. Trong 2/3 vụ việc, học sinh có hành vi xô xát bạn phải chịu hình thức kỷ luật là đình chỉ học tập từ 1-2 tuần, tùy mức độ sai phạm; riêng trường hợp còn lại, học sinh đánh bạn được tiếp tục đến trường nhưng phải chấp hành hình thức xử phạt đọc sách ở thư viện vào giờ ra chơi với sự giám sát của giáo viên.

Sau 2 tuần chấp hành yêu cầu xử phạt, vào tiết sinh hoạt dưới cờ ở tuần lễ thứ ba, học sinh vi phạm được yêu cầu kể lại một câu chuyện đạo đức đã đọc ở thư viện cho học sinh toàn trường nghe. Đây được xem là một trong những hình thức xử phạt mang đậm tính nhân văn, không làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh nhưng vẫn có tác dụng răn đe, giáo dục nhận thức và hành vi giao tiếp của các em.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một trường học, hình thức kỷ luật đưa ra trên nguyên tắc giúp học sinh nhận ra lỗi sai, tạo cơ hội cho các em sửa sai và hoàn thiện hơn về nhân cách, hành vi ứng xử.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, sở không khuyến khích trường học áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập vì sẽ làm gián đoạn quá trình học của học sinh. Việc áp dụng hình thức kỷ luật ở mức độ nào sẽ do hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định dựa vào tình hình thực tế tại đơn vị.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là sự phối hợp thường xuyên giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh để các biện pháp giáo dục vừa bảo đảm tính răn đe vừa không ảnh hưởng việc học, nhất là với học sinh các lớp cuối cấp.

Như vậy, xử phạt học sinh không chỉ là việc thực hiện theo đúng văn bản quy phạm pháp luật mà cần sự bao dung, thấu hiểu học sinh của giáo viên, cao hơn là ban giám hiệu trường. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội đang có ảnh hưởng ngày càng lớn và chi phối nhiều hoạt động của các chủ thể trong trường học (gồm cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh), việc đưa ra các hình thức xử phạt cần uyển chuyển, linh hoạt, hướng đến mục tiêu giáo dục tích cực, giúp học sinh hoàn thiện về nhân cách và kỹ năng giao tiếp xã hội.

Tin cùng chuyên mục