Đây là cuộc điều tra tiến hành 2 năm một lần kể từ năm 2002 đến nay, cung cấp chuỗi số liệu hữu ích cho hoạch định chính sách phát triển.
Trình bày báo cáo, GS. Finn Tarp (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đây là cuộc điều tra nhằm nghiên cứu và chỉ rõ một số vùng và một số nhóm bị bỏ lại phía sau, hộ gia đình đang được hưởng lợi đồng đều từ sự phát triển kinh tế chung và một số vùng cần thêm nguồn lực hoặc đổi mới chính sách.
Các tỉnh trong phạm vi điều tra thuộc tất cả 7 vùng trong cả nước (Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long).
Kết quả điều tra cho thấy, do sự thay đổi về cách phân loại, tỷ lệ nghèo đói tăng. Có sự khác biệt tương đối lớn về kết quả giáo dục và y tế giữa các vùng; sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc tồn tại dai dẳng.
Mặc dù vậy, đã có những cải thiện về điều kiện sống: chất lượng nhà vệ sinh được nâng lên; việc thu gom rác thải được cải thiện và việc sử dụng chất đốt chuyển từ củi sang gas .
Báo cáo phân tích kỹ cho việc sử dụng đất, nhóm nghiên cứu nhận định, có sự khác biệt rõ ràng giữa miền Bắc và miền Nam.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như chất lượng quản lý đất đai có tác động tích cực đến việc lựa chọn cây trồng và đầu tư trên đất. Tình trạng bất lợi của phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm. Tuy nhiên, nghèo đói không có mối tương quan chặt chẽ đối với tình trạng không có ruộng đất.
Liên quan đến sản xuất nông nghiệp và thị trường, theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ hộ tham gia sản xuất nông nghiệp giảm. Hơn 58% số thửa đất dành cho sản xuất lúa và trung bình các hộ bán đi khoảng 30% sản lượng lúa gạo họ sản xuất ra.
Nhìn chung, các tỉnh phía Bắc có ít giao dịch hơn các tỉnh phía Nam. Nguồn tài nguyên chung, đặc biệt là rừng, vẫn có vai trò quan trọng đối với một số hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đáng lưu ý, một kết luận quan trọng được nêu trong Báo cáo là các hộ gia đình nông thôn Việt Nam vẫn phải đối viện với mức độ rủi ro cao. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm cao, nhưng phương thức và mức độ chi trả hiện nay chưa phải là cơ chế quan trọng thích ứng với rủi ro. “Vẫn còn rất nhiều cú sốc không được bảo hiểm”, GS Finn Tarp nhấn mạnh.