Trong một căn nhà nhỏ gần chợ Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM), vợ chồng thương binh Trần Thị Khảng, 67 tuổi, và Nguyễn Văn Rổ, 71 tuổi luôn được mọi người xung quanh khâm phục bởi nghị lực phi thường.
Vừa tròn 19 tuổi, cô du kích Củ Chi tên Khảng đã tham gia cách mạng. Năm 22 tuổi, cô chính thức thoát ly gia đình đi kháng chiến. Cô tham gia lực lượng quân báo thuộc Đội nữ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định. Có lần bị chỉ điểm, cảnh sát ngụy ập tới nhà bắt giam cô. Suốt một tháng trời, cô chịu mọi cực hình tra tấn chết đi sống lại nhiều lần. Do không khai thác được gì nên chúng đành thả cô ra. Được tự do, cô lại tiếp tục hoạt động quân báo.
Năm 1971, trong một lần đi quan sát tình hình địch, cô đạp phải mìn. Sau tiếng nổ đinh tai, cô bất tỉnh không còn biết gì nữa. Đồng đội tưởng cô đã hy sinh nên đưa xác cô đi chôn. Đang đi được nửa đường thì bất ngờ cây cáng tre gãy đập vào mũi cô khiến máu tươi ứa ra, thế là cô lại thở được và sống lại một cách thần kỳ. Tỉnh dậy, cô thấy hai chân mình bị mìn nổ nát nhừ và hàng chục vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Từ đó, cô phải sống cuộc đời tàn phế. Những lúc vết thương hành hạ nhức nhối cơ thể, cô cắn răng vượt qua nỗi đau vì nhớ đến cảnh cha bị giặc giết, 4 anh em trai hy sinh ngoài chiến trường, phải sống để trả thù cho người thân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô được đưa về Trạm Điều dưỡng thương binh ở quận Thủ Đức điều trị. Tại đây, cô gặp anh Nguyễn Văn Rổ, quê ở xã Vinh Lộc, huyện Bình Chánh cũng bị thương nặng mất một chân. Trong lần đóng quân tại căn cứ Bù Đốp, do bị bọn chỉ điểm kêu B52 tới dội bom cơ sở cách mạng của ta khiến nhiều đồng chí hy sinh, anh may mắn sống sót nhưng bị gãy lìa một chân. Sau giải phóng, anh cũng được đưa đến Trạm Điều dưỡng thương binh quận Thủ Đức. Tại đây anh chị gặp nhau, thông cảm với nỗi đau chiến tranh và yêu thương nhau bằng cả tình yêu và tình đồng chí thiêng liêng. Năm 1978, hai người làm đám cưới và có 3 đứa con.
Giờ đây, đã lên chức ông bà nhưng họ vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương cũ lại tái phát cộng với nhiều thứ bệnh khác như đau đầu, tức ngực, ù tai, mắt mờ, cao huyết áp… khiến ông bà tưởng chừng không thể qua khỏi nhưng họ động viên nhau vượt qua nỗi đau. Hiện bà vẫn còn một mảnh đạn găm trong đầu nhưng bác sĩ bảo không mổ được vì có thể sẽ làm mù mắt hoặc bại não nên bà vẫn phải sống chung với mảnh đạn mấy chục năm nay.
Chia tay ông bà trong ngôi nhà tuy nghèo nhưng tràn ngập những kỷ niệm chiến trường, chúng tôi không sao quên được hình ảnh ông bà bên chiếc xe lăn cũ nát. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông bà vẫn vững vàng vượt khó, bởi họ chính là những bộ đội Cụ Hồ.
MINH NGỌC