Chia sẻ không kiểm chứng
Tìm hiểu thực hư, đó là ảnh chụp giấy thanh toán chi phí cách ly 22 ngày gần 6,5 triệu đồng. Giấy này được đăng lên mạng, đã cắt phần thông tin bên trên. Sau đó, hơn 1.000 người đã chia sẻ về trang cá nhân, đăng tải vào các hội nhóm. Nhiều người thể hiện sự bất ngờ: “Cách ly tốn tiền dữ”, “Khổ quá vậy”, “Phí cao vầy có cho trả góp không?”. Cũng có một số bạn trẻ lên tiếng lý giải, như tài khoản Phương Hoa cho biết: “Bản thân tôi cũng vừa đi cách ly tập trung trong tháng 5 vừa rồi. Trong đó, chỉ phải trả tiền ăn mỗi ngày 80.000 đồng, còn tiền nhu yếu phẩm là 40.000 đồng cho cả đợt cách ly. Chỉ trong trường hợp người nhập cảnh từ nước ngoài về thì mới chịu tất cả chi phí thôi”. Một số tài khoản khác cũng phản biện tương tự.
Do thấy một số bạn than phiền không đúng về phí cách ly, chị Ngân Hà đã vào bình luận. Chị nói: “Mình hỏi hình lấy từ đâu, có bạn nói là của người thân, nhưng đều là từ tấm ảnh không đầy đủ thông tin kể trên. Mình gửi đồ họa chi phí đúng vào thì bạn đó chặn mình luôn”. Theo chị, quy định về phí cách ly đã có từ lâu, nhưng không hiểu sao nhiều bạn chưa tìm hiểu mà chia sẻ tràn lan. Chỉ mất vài giây gõ Google sẽ ra Nghị quyết 16 năm 2021 của Chính phủ, quy định chi phí cách ly trong phòng chống dịch Covid-19. Đối với địa điểm cách ly tập trung, người Việt Nam đi làm, học tập ở nước ngoài về sẽ chịu chi phí xét nghiệm, ăn uống, sinh hoạt, đưa đón; người trong nước chịu chi phí ăn. Còn nếu cách ly ở khách sạn, resort theo nhu cầu sẽ tự trả theo quy định của cơ sở đó.
Tình trạng chia sẻ thông tin vô tội vạ trong mùa dịch không phải là hiếm. Anh Trường Kiên (27 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, anh cảm thấy ngán ngẩm khi lên mạng và trò chuyện với một số người bạn có chiều hướng hoang mang, tiêu cực. Anh nói: “Cứ thấy nhân viên y tế, hoặc nơi nào có lực lượng chức năng tới là các bạn chụp hình đăng Facebook và nói “toang” rồi. Có những khu vực không bị phong tỏa, nhưng các bạn cũng chia sẻ khiến mọi người càng thêm lo lắng”. Tin nhắn của anh như bị “dội bom” khi người quen đi cách ly, bạn bè thì cập nhật từng giờ từng phút ca bệnh mới, nơi bị rào chắn. Còn chị Ngân Hà nói: “Công việc của mình không thể ở hoài trong nhà tránh dịch được. Mình đã chuẩn bị đồ dùng cần thiết nếu chẳng may là F1. Mình thấy khi chuẩn bị tinh thần tốt thì không có gì phải hoang mang”.
Thành phố không “đau lòng” đến thế
Lướt mạng, chúng ta hay bắt gặp những dòng trạng thái khi thành phố có chuyện (dịch bùng phát) thì một số nơi khác xa lánh. Câu hát “Sài Gòn đau lòng quá…” cũng được đưa vào để minh họa. Thậm chí, khi người dân hỗ trợ tiêu thụ nông sản như bơ, khoai lang ách tắc do tình hình dịch bệnh, một số bạn nhận xét, thành phố hành xử rất khác luôn hào hiệp, sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh thành.
Không đồng ý với luồng ý kiến “ghẻ lạnh”, anh Trường Kiên cho biết: “Tình hình phức tạp, các địa phương giám sát người về từ vùng dịch cũng hợp lý. Nếu không, dịch bệnh sẽ càng lan tràn”. Còn anh Lê Bách (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM), cho rằng không nên suy diễn cảm tính, nên nhìn ở góc độ biện pháp phòng dịch, cao hơn nữa là cách điều hành. Anh Bách nói: “Ta nên phân tích việc siết chặt người từ nơi có dịch về địa phương là cần thiết, hợp lý hay bất cập.Như vừa rồi có một tỉnh ra công văn cách ly người từ TPHCM là quá vội vàng. Nhưng chuyện này cũng có điểm tích cực, là sự phản ứng nhanh nhạy nhằm bảo vệ an toàn cho người dân”.
Theo anh Bách, nhiều bạn đang hướng câu chuyện chính sách thành câu chuyện của tình làng nghĩa xóm. “So sánh vậy không ổn, vì cơ quan chức năng các tỉnh thành có nhiệm vụ phục vụ người dân địa phương và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Tôi nghĩ các nơi đều độc lập, bình đẳng và hỗ trợ nhau thôi”, anh nói.
Số ca mắc Covid-19 đang tăng, số điểm phong tỏa cũng nhiều thêm. Thay vì làm nhiều người lo lắng, ta nên nghĩ một chút trước khi chia sẻ, bàn luận những thông tin vừa thiếu chính xác vừa mang lại bao nỗi mệt mỏi cho người khác.