Bạn đọc trong cả nước rất hoan nghênh thái độ kiên quyết của ban lãnh đạo TPHCM trong đợt thảo luận triển khai Nghị quyết Trung ương 3, khi người đứng đầu TP – đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy - nhấn mạnh rằng: “Kiên quyết thay thế những cán bộ giảm sút uy tín”.
Đây là một việc làm rất đúng và rất trúng, có thể coi là một khâu đột phá nhằm vào khâu yếu nhất trong bộ máy hành chính của ta hiện nay.
Chúng ta nói với nhau “hơi bị” nhiều về cơ chế, quy chế, thể chế... khi bàn và tìm cách gỡ rối về cải cách hành chính, nhưng suy cho cùng, khâu quan trọng nhất là những con người, những cán bộ – hay nói chính xác hơn là những công bộc của dân đang đảm đương chức trách của bộ máy hành chính, bộ máy công quyền ở các cấp, từ phường xã trở lên, đến các bộ, các ngành.
Uy tín của một cán bộ không hề phụ thuộc vào sự bề thế của trụ sở, sự “hoành tráng” ở phòng làm việc (nền kinh tế của đất nước phát triển thì người dân cũng mong cho các cơ quan có đầy đủ phương tiện hiện đại, chỗ làm việc rộng rãi... chứ chẳng ai hẹp lượng gì về điều này).
Uy tín của một cán bộ – ở tất cả các cấp, các ngành - chính là ở chỗ có làm đúng chức trách của mình hay không, giữ phép nước có nghiêm hay không (đó là cái “uy”), đặc biệt là có được dân tin, có giữ được lòng tin của dân hay không (đó là chữ “tín”).
Hoan nghênh ban lãnh đạo của TPHCM đã đề ra một việc phù hợp với ý nguyện của dân. Hy vọng rằng việc này sẽ được nhân rộng ra, áp dụng trong cả nước, bởi cũng là điều bức xúc của người dân cả nước.
Xin dẫn chứng: nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) Nguyễn Khắc Thức bị kỷ luật vì xà xẻo tiền cứu trợ của dân (huyện nhận được 24,4 tỷ đồng trong đợt bị lũ quét), vậy mà sau khi bị kỷ luật, ông được “đá lên” làm Phó ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, và ông phát biểu một cách xanh rờn khi bị hỏi về kỷ luật ở Hương Sơn: “Chẳng có vấn đề gì. Vẫn bình thường thôi!”.
Ông còn phán: “Ủy ban Kiểm tra nói ba lăng nhăng” (trả lời phỏng vấn của PV báo điện tử VietnamNet ngày 25-9-2006). Không biết ban lãnh đạo Hà Tĩnh đánh giá về “uy tín” của ông này đến mức nào mà... đề bạt ông lên ở vị trí... còn có điều kiện dễ xà xẻo hơn như vậy?
Rồi chuyện ông Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện đảo Cát Hải của Hải Phòng (lại Hải Phòng!) tên là Nguyễn Văn Hiếu, hành xử theo kiểu giang hồ, mượn tay của đám xã hội đen để giải quyết công việc, bản thân ông cũng ăn nói theo kiểu... xã hội đen, có còn chút gì gọi là “uy tín” nữa không? Có đáng thay thế không?
Ở TPHCM cũng có chuyện khiến người dân phải suy nghĩ về hai chữ uy tín. UBND TP đề ra một chủ trương lớn: treo các băng rôn “Dân ta học sử ta” để nâng cao sự hiểu biết của dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã đồng ý, Sở VHTT và Sở GTCC (là cơ quan chủ quản) đã có văn bản cho phép, và không chỉ treo 141 băng rôn mà sẽ còn treo hàng ngàn cái.
Vậy mà Phó giám đốc Công ty Chiếu sáng đô thị Trần Ngọc Sử cho quân đi tháo hết 141 băng rôn vì “chưa xin phép” công ty! Nay thì nghe nói đã treo lại rồi, vì UBND và các sở chủ quản của công ty nọ đã phải họp bàn và ra lệnh.
Vấn đề được đặt ra là: Tại sao lại phải họp bàn nữa? Cái công ty nọ “to” hay sở và UBND TP to hơn? Cái biểu hiện rất cụ thể của thói “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe” một cách tùy tiện như vậy có đáng được thay thế?
Uy tín, không phải là một điều trừu tượng, cũng không xuất phát từ lý lịch, từ “đã kinh qua những chức vụ gì”... mà xuất phát từ một cái thước đo rất cụ thể: đánh giá của dân, sự tin yêu của dân.
NGUYỄN LÊ BÁCH