Nghĩa nặng tình sâu!

Từ sáng sớm, mây đen vần vũ giăng kín bầu trời khu vực trung tâm TP, báo hiệu cơn mưa lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thế nhưng, phía trước hội trường Hội trường Thống Nhất, dòng người từ khắp nơi vẫn đổ về từ rất sớm. Người đứng dưới các gốc cây, người ngồi trên hàng ghế đá và cả trên xe gắn máy, xe đạp. Tất cả cùng hướng ánh mắt về phía hội trường-nơi đặt linh cữu chú Sáu Dân-nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đứng nép mình bên hàng cây ngay góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Duẩn, một ông lão râu tóc bạc phơ, khoác trên mình tấm áo lính đã bạc màu, run run chất giọng miền Tây nói: “Qua từ Vĩnh Long lên đây từ tối qua. Ra đây từ sáng sớm muốn ngó mặt ông Sáu lần cuối. Lần trước cách nay hơn 3 tháng, nghe tin ổng về quê chơi, tôi tất tả từ Cần Thơ chạy lên nhưng không gặp. Ai ngờ, vậy là không gặp được ông Sáu nữa rồi!”. Qua câu chuyện, tôi biết được tên ông là Đạt – Tám Đạt U Minh, cách gọi mà ông nói thời 64, 65 cùng đi theo ông Sáu Dân một thời gian từ Khu 8 xuống Khu 9. Khi thấy đoàn xe mang biển kiểm soát 64… đứng trước cổng dinh chờ vào viếng, ông tất tả băng qua đường: “Để qua xin vào cùng nhìn mặt ông Sáu lần cuối”.

Phía bên kia đường Hàn Thuyên, một nhóm 4 chị phụ nữ tụm lại trên 2 chiếc xe máy, mắt đỏ hoe hướng nhìn đằng sau cánh cổng chính hội trường Thống Nhất. Người phụ nữ có dáng cao, đậm giới thiệu khi chúng tôi đến làm quen: “Mình là Mai Hoa. Còn các bạn đây là Hằng, Thúy, Dung-lính của chú Sáu thời Hồng binh 1978”. Nói tới Hồng binh, chị Mai Hoa sôi nổi hẳn lên: “Ngày đó tụi này đang học lớp 12 Trường cấp III Nguyễn Thái Bình thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong một cuộc mít tinh-cũng tại công viên trước Hội trường Thống Nhất này, hàng ngàn cánh tay đã vung lên “sẵn sàng” khi nghe tiếng hiệu triệu của chú Sáu Dân: “Nước nhà đang lâm nguy, thanh niên có sẵn sàng?”.

Tháng 8-1978, trong hàng quân rập rập hướng ra biên giới Tây Nam, có hàng ngàn cô gái Hồng binh, gác bút lên đường…”. Hôm nay, những cô gái Hồng binh năm xưa đã bước vào tuổi 50, nhưng vẫn không quên được hào khí thế hệ được chú Sáu Dân hiệu triệu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong 4 chị có mặt bên chú Sáu Dân hôm nay-chị nào cũng thành đạt, người là bác sĩ, chủ doanh nghiệp, người là cán bộ nghiên cứu khoa học. Họ đến đây hôm nay chỉ mong được nhìn chú Sáu Dân lần cuối, vĩnh biệt một con người đã hun đúc cho một thế hệ trẻ cái hào khí cách mạng.

Anh Đoàn Long, quê ở Quảng Bình, không giấu được xúc động: Trong ký ức tuổi 20 của tôi, ấn tượng về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là những công trình tràn đầy sức trẻ, nối liền ba miền Bắc-Trung-Nam mà ông đã quyết tâm thực hiện.

Ông Nguyễn Trường Long, ngụ khu chợ đường Ngô Quyền, quận 10 bày tỏ: Tôi chỉ là một người bảo vệ già trong một cơ quan nhà nước, sống gần hết cuộc đời ở đất Sài Gòn và cũng chưa từng một lần được gặp chú Sáu, nhưng hình ảnh của ông thì tôi vẫn thường xuyên nhìn thấy trên những tờ báo mà cơ quan vẫn hay đặt hàng ngày (Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên).

Đọc những bài viết của ông, những bài trả lời báo chí của ông về các vấn đề bức xúc, tồn tại của TP, của đất nước, người ta thấy toát lên tấm lòng của một người lãnh đạo luôn hướng về người dân lao động. Nhưng cái tôi thích nhất là hình ảnh rất chân chất, giản dị của ông, một sự giản dị rất gần gũi của những người con vùng đồng bằng sông Cửu Long - quê tôi. Tôi cũng thích nụ cười của ông, một nụ cười thân thiện và ấm áp vô cùng. Sáng nay tôi đến sớm, dù biết không vào được nhưng cũng đến với mong muốn được một lần thắp cho ông nén nhang, để tỏ lòng kính trọng với ông-một vị lãnh đạo luôn ấm áp và tràn đầy lòng yêu thương người lao động nghèo…

Cũng trong sáng nay, qua thư điện tử nhiều bạn đọc đã bày tỏ tình cảm của mình đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

° Thật bất ngờ và thật buồn khi tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mất. Ông là người không chỉ nhiệt tình, có năng lực khi còn giữ các trọng trách quan trọng của đất nước mà còn cả sau khi nghỉ hưu. Một con người luôn giữ trong mình và luôn hành động với tinh thần “Đổi mới” và vì nhân dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi của ông. Nguyễn Văn Đạo, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, email: ngdaovan2007@...

° Nghe tin Bác Võ Văn Kiệt mất, tôi rất buồn và thương tiếc. Một trí tuệ lớn đã ra đi, một công dân đầy tâm huyết và trăn trở với sự phát triển của quốc gia, dân tộc đã đi về cõi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt Bác Võ Văn Kiệt và mong Bác được yên nghỉ. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình Bác! Lê Thanh Lâm, Hà Nội, email: lamkinh2001@...

° Từ hồi còn nhỏ, tôi đã đặc biệt ấn tượng với hình ảnh vị Thủ tướng có phong cách khoáng đạt, cởi mở và quyết đoán. Tôi cũng đã đọc đi đọc lại những bài viết gần đây của cố Thủ tướng bởi nội dung mang tính thời đại, tính lý luận, thực tiễn và sắc sảo, hợp với lòng dân. Ông ra đi với hình ảnh thật trọn vẹn của một người chiến sĩ cách mạng. Xin vĩnh biệt ông! Nguyễn Vũ Hải, Hà Tĩnh, email: vhn_dpi@...

° Sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là mất mát to lớn cho nhân dân trong đó có thanh niên. Với nụ cười trên môi và ánh mắt đầy quyết tâm, ông đã truyền cho thanh niên một sức mạnh, đó là sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của tuổi trẻ. Sự ra đi của ông đối với thanh niên thật sự là một mất mát lớn. Xin cúi đầu kính trọng trước cuộc đời ông và những gì ông đã làm cho nhân dân, cho đất nuớc. Hoàng Khôi, email: hoangkhoi256@...

° Tôi lặng lẽ đến Hội trường Thống Nhất viếng Bác, lòng buồn vô hạn. Tôi là công dân bình thường nhưng tôi cũng tìm cách đến viếng. Lúc đầu sợ không ai cho vào nhưng tôi xin phép vào với tư cách cá nhân và được hướng dẫn vào. Những giọt nước mắt cứ tuôn trào. Thương tiếc Bác đã ra đi, xin chia buồn cùng gia quyến Bác. Cảm ơn Bác đã giúp tôi sống lành mạnh hơn trong mọi tình huống khó khăn. Vinh Binh Thanh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Bình Thạnh, TPHCM, email: duongtuanhvietnam@... 

Nhóm PVCT

Tin cùng chuyên mục