Nghĩa tình A Lưới

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP vừa mang đến A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), một điểm nút của đường Trường Sơn năm xưa, 20 căn nhà nghĩa tình.

1. Trong căn nhà xây kiên cố bằng gạch và bê tông rộng gần 100m², bà Hồ Thị Ngưm, 65 tuổi, ở thôn A Vinh, xã Hồng Thái, huyện A Lưới xúc động đến nghẹn ngào.

Sinh ra và lớn lên tại A Lưới, điểm nút của đường Trường Sơn với vô vàn cung, nhánh đường bộ cơ giới, đường vòng qua nước bạn Lào, bà Hồ Thị Ngưm sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đội du kích Hồng Bắc. Bà Ngưm tự hào: “Trong kháng chiến, những năm 1955-1959, Bác Hồ đã mời già làng, trưởng bản các tỉnh miền Nam ra Hà Nội gặp Bác để chỉ dẫn cho bà con con đường đi làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Riêng A Lưới có 10 người được gặp Bác...

Khi trở về, mọi người đều tích cực vận động con em đi theo Bác, theo cách mạng. Bọn con trai con gái hừng hực khí thế tham gia đội du kích Hồng Bắc giết giặc lập công. Nhiều gia đình trong khắp các bản Pa Kô, Pa Hi, Ka Tu ăn sắn, ăn khoai, còn thóc gạo, bạc, trâu bò và cả những con voi là tài sản quý giá nhất nhường hết cho bộ đội. Người người, nhà nhà là căn cứ che chở bộ đội, bảo vệ đường Trường Sơn huyền thoại”.

Đất nước hòa bình, trong bộn bề khó khăn của vùng biên giới, vợ chồng bà Ngưm chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Ước mơ làm lại căn nhà thay túp lều xiêu vẹo cứ ngày một xa vời. Nhưng nay, căn nhà xuất hiện như có phép màu. Điều không dám mơ ước tới của vợ chồng bà Ngưm và 19 hộ gia đình khác - những người đã từng hy sinh xương máu che chở, bảo vệ đường Trường Sơn đã thành hiện thực.

2. Tại lễ bàn giao 20 căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn ở A Lưới, khuôn mặt của các chiến sĩ biên phòng luôn rạng ngời hạnh phúc. Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Đồn trưởng 629, chia sẻ: “Nhìn bà con mình vui, đồng đội mình vui, chúng tôi cũng rất vui”.

Đứng trước ngôi nhà mới xây khang trang, ông Nguyễn Văn Bor, thôn A Đâng, xã Hồng Bắc, xúc động: “Ngày được thông báo gia đình tôi sẽ được nhận ngôi nhà tình nghĩa do chương trình Nghĩa tình Trường Sơn trao tặng, tôi mừng lắm nhưng vẫn vướng chút âu lo. Bởi địa bàn cách trở với nhiều đồi núi cao, sông suối hiểm trở, làm sao vận chuyển được nguyên vật liệu? Thời tiết mùa mưa, đường sá sạt lở, tìm đâu ra nhân công khi gia đình chỉ có một lao động chính? Khi bộ đội biên phòng đến, nỗi lo ấy tan biến. Các anh chạy đua với thời tiết, gùi cõng nguyên vật liệu về bản tập kết rồi động viên nhau xây dựng ngôi nhà đúng tiến độ...”.

Đại tá Lê Đình Duyệt, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau khi được UBND tỉnh, Ban tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và nhà tài trợ Vietcombank chi nhánh Thừa Thiên - Huế giao trách nhiệm trực tiếp triển khai thực hiện, đơn vị xác định đây là một trong những hoạt động thiết thực của những người lính thể hiện trách nhiệm và tấm lòng tri ân đồng bào đã từng cưu mang, đùm bọc đồng đội mình trong mưa bom, súng đạn của quân thù trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn huyết mạch.

Vì vậy, trực tiếp xây nhà Nghĩa tình Trường Sơn là nhiệm vụ thiêng liêng kết nối sự tri ân của đồng đội năm xưa qua người lính thời bình với đồng bào hiện đang gặp khó khăn. Ngoài ra, với tinh thần tương thân tương ái, bà con nhân dân địa phương cũng quây quần giúp đỡ nhau mỗi người một tay. Đây là lý do chính để 20 căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn triển khai tại A Lưới vượt tiến độ đề ra dù đang trong mùa mưa lũ.

Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục