
Khi được tin đại tá Huỳnh Trí, Chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội An Giang, xin nghỉ hưu sớm, nhiều người không tin. Ít người như anh, đang đảm đương công tác ở vị trí quan trọng, lại xin nghỉ hưu sớm những 5 năm. Tuy nhiên, cái lý của anh là: “Tui nghỉ hưu để làm cái việc hệ trọng hơn là đi tìm mộ anh em mình hy sinh ở đất nước Chùa Tháp. Tui từng chiến đấu trên chiến trường ấy nhiều năm, thạo địa hình, biết được tiếng Khmer, thuận lợi hơn anh em khác”.
Khi Đại tá Huỳnh Trí xin nghỉ hưu cũng là thời điểm chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia thỏa thuận về việc tìm kiếm, cất bốc mộ bộ đội tình nguyện hy sinh trong chiến tranh. Các tỉnh ở phía Nam đã thành lập đội chuyên trách tìm và quy tập mộ liệt sĩ hy sinh trên đất bạn.
Được cấp trên đồng ý, anh Huỳnh Trí cùng đội K93 của tỉnh An Giang mang ba lô, tăng võng sang Campuchia tìm mộ liệt sĩ. Mỗi chuyến đi thường là 2 tháng, có khi kéo dài đến 4 tháng. Phải tìm được mộ các anh mới về dưỡng sức một thời gian và lấy thêm phương tiện, tư trang, lương thực, thực phẩm.

Đại tá Huỳnh Trí (thứ ba từ trái qua) đang cùng cán bộ, chiến sĩ Đội K93 dò tìm mộ liệt sĩ trên đất Campuchia (3-2005).
Cứ ròng rã 4 năm như vậy. Mới đây, được tin các anh chuyển hài cốt vừa tìm được về nước, tôi vội đến ngay, nhưng anh Hai Trí đã đi gặp các cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ ở Campuchia để biết thêm thông tin về nơi mai táng mộ liệt sĩ. Trung tá Nguyễn Văn Rê, đội phó Đội K93, cho biết:
- Bây giờ anh Hai lúc nào cũng nghĩ đến công việc tìm mộ đồng đội, khó gặp lắm. Nhờ có anh Hai Trí mà công việc của tụi tui thuận lợi nhiều. Anh biết đó, tìm hài cốt liệt sĩ ở nước bạn là công việc vô cùng phức tạp. Có ba thời kỳ quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ ở đất bạn: chống Pháp, chống Mỹ và cứu nhân dân bạn ra khỏi thảm họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt.
Số liệt sĩ hy binh thời kỳ cứu nhân dân bạn khỏi họa diệt chủng phần lớn đã được chuyển về nước. Số còn lại chủ yếu là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó kháng chiến chống Mỹ nhiều nhất. Nếu tính thời gian từ đó đến nay cũng đã trên dưới 40 năm. Ngần đó năm địa hình đã thay đổi nhiều, sơ đồ thất lạc, chủ yếu phải nhờ vào thông tin từ nhân dân bạn.
Theo lời kể của trung tá Nguyễn Văn Rê, thời gian đầu, đội tìm mộ ở tỉnh Côngpôngxưpư. Hồi chống Mỹ, các đơn vị bộ đội chủ lực của miền và bộ đội địa phương tỉnh An Giang đứng chân ở đây một thời gian khá dài. Anh Huỳnh Trí dẫn họ đến vùng đơn vị đặc công của anh từng hoạt động. Ngày ấy, giặc Mỹ đánh phá sang đất Chùa Tháp, đơn vị anh kết hợp với bộ đội giải phóng Campuchia sát cánh bên nhau chiến đấu.
Nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh trong các đợt chống càn khi đưa dân bạn sơ tán khỏi vùng địch đánh phá. Nhưng khi đến nơi, anh Huỳnh Trí mới hay địa hình đã thay đổi quá nhiều. Nhiều nơi trước là nông thôn nay đã thành phố thị, nhà sàn nằm dưới những vòm cây cổ thụ nay ra sát đường để tiện việc buôn bán.
Anh hỏi thăm những gia đình quen biết ngày xưa nhưng chẳng ai biết. Cũng đúng thôi, đất nước này đã trải qua bao sóng gió. Anh liên hệ với chính quyền các phum sóc để được gặp người cao tuổi. Quả nhiên, nhiều người đã chỉ cho các anh mộ quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều nhà sư ở các chùa đã đến gặp đội để báo mộ liệt sĩ.
Nhà sư Men Đa Ra, trụ trì chùa Tusala, quận Posét đã đến báo một ngôi mộ liệt sĩ hy sinh năm 1970, nhà chùa mai táng và dân phum thờ phụng mấy chục năm nay như chính mộ người thân. Nhà sư nói: “Nhà chùa và dân phum muốn để ngôi mộ ở đây để thờ nhưng lại nghĩ nên để mấy chú rước anh ấy về nước để gia đình anh ấy khỏi trông mong”.
Lễ bốc mộ được nhà chùa và dân phum tổ chức trọng thể. Nhà sư đã phát biểu: “Thời đất nước Campuchia gặp hoạn nạn, bộ đội Việt Nam đã sang cứu giúp. Liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì đất nước Chùa Tháp, nhân dân chúng ta không bao giờ quên ơn nghĩa này”.
Nhà sư Men Đa Ra còn vận động người lớn tuổi các phum khác giúp đội công tác tìm mộ. Chỉ trong thời gian ngắn, đội đã bốc được 12 ngôi mộ. Phần nhiều các ngôi mộ này được nhân dân Campuchia mai táng và bảo vệ từ thời đánh Mỹ đến nay.
Vùng núi phía Nam tỉnh Cô Công địa hình hiểm trở. Thời đánh Mỹ, một bệnh xá dã chiến đặt ở đây. Mộ liệt sĩ thường mai táng gần nơi bệnh xá đứng chân. Có khi các anh phải đào cả một khu vực rộng, bẩy những táng đá lớn, đánh bật gốc cổ thụ để tìm mộ. Làm nhiệm vụ ở đâu các anh cũng được nhân dân nước bạn giúp sức.
Cụ Tà Rum ở phum Cho Chấp, tuy đã hơn 70 tuổi, nhưng đã lội bộ hàng chục cây số tìm gặp đội để chỉ những ngôi mộ bộ đội tình nguyện Việt Nam mà cụ và dân phum đã mai táng năm 1972. Cụ Tà Siêu ở phum Đơ Quay đã báo với đội 10 ngôi mộ do nhân dân phum mai táng, bảo vệ.
Làm nhiệm vụ trên đất bạn, cán bộ, chiến sĩ coi nhân dân bạn như bà con ruột thịt của mình. Các bác sĩ, y tá đã thường xuyên khám, chữa bệnh cho nhân dân các phum sóc. Khi đến vùng Tà Ly, thấy nhân dân ở đây đang gặp cảnh thiếu lương thực, các anh đã báo về và tỉnh An Giang đã cứu trợ khẩn cấp 15 tấn gạo cho nhân dân. Ngoài công tác tìm mộ liệt sĩ, các anh đã góp phần vun đắp tình đoàn kết của nhân dân hai nước.
Sau 4 năm, kể từ ngày thành lập đến nay, đội tìm mộ của Tỉnh đội An Giang do đại tá Huỳnh Trí đảm nhận tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương được 718 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. 4 năm ròng làm nhiệm vụ trên đất bạn, luồn rừng, leo núi, lội bưng, ngủ võng, ăn cơm nắm, da anh đen sạm, rắn chắc. Nhưng có điều rất lạ là về nước, sống trong cảnh nhàn rỗi, anh lại cảm thấy mệt mỏi.
Anh nói: “Cậu tính, có khi cả tháng sống trong mưa dầm, nửa năm sống dưới nắng lửa, vậy mà tôi thấy khỏe re. Vậy mới lạ chớ”. Anh tâm sự: “Cậu biết không, hồi ở nhà, tui phải dành thời gian mỗi ngày hai giờ đi bộ để luyện sức, còn công việc tìm mộ thì suốt ngày leo trèo gò núi, lội suối, vượt trảng nên người khỏe ra thiệt.
Hồi đó, tuy được sống trong cảnh thanh bình nhưng tui vẫn day dứt vì mộ của nhiều liệt sĩ vẫn nằm trên đất bạn, mỗi khi nghe thấy đài báo thông tin về việc người thân tìm mộ liệt sĩ tui cảm thấy mình nên góp phần vào nhiệm vụ hệ trọng này. Vậy là tui xin nghỉ hưu sớm để đi tìm mộ. Tui mong mình bền sức để cùng anh em tìm kiếm và đưa hết hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước”.
Và cho đến nay, đơn vị ấy vẫn làm nhiệm vụ trên đất bạn.
NGUYỄN ANH ĐƯỜNG