
Tình cờ tôi gặp lại anh trong buổi họp mặt tất niên của Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 26 Tăng - Thiết giáp. Sau giây phút bỡ ngỡ, tôi kịp nhận ra người Đại đội trưởng xe tăng năm nào mà tôi từng gặp trên mặt trận biên giới Tây Nam mùa khô 1977-1978. Lúc đó, tôi là phóng viên Báo Quân khu 7 chuyên “săn lùng” những tấm gương chiến đấu dũng cảm, trong đó có anh - Lê Anh Dũng.
1- Dù 31 năm mới gặp lại nhưng những kỷ niệm về anh vẫn còn in đậm trong tôi. Những chiếc xe tăng mang số hiệu 365, 823, 959, 985… mà Dũng lái và chỉ huy xông trận như vẫn còn nghiến rào rạo xuống mặt đường; những nòng pháo chớp lửa, hỏa điểm địch vụt tắt… Giây phút Lê Anh Dũng rời xe tăng chạy bộ qua xe đồng đội giữa làn đạn địch để chỉ huy trận đánh mà tôi ghi được qua ống kính vẫn còn lưu giữ đến hôm nay.

Anh Lê Anh Dũng nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học” do Hội Khuyến học Việt Nam tặng.
Tôi nhớ, trong một trận đánh ở biên giới Tây Nam năm 1978, đêm trước khi Trung đoàn chuẩn bị xuất kích, tôi và Dũng cùng căng võng nằm tâm sự bên nhau trong cánh rừng cao su bạt ngàn ở biên giới. Câu chuyện của chúng tôi kéo dài đến tận khuya. Dũng kể cho tôi nghe về gia đình, về quê hương Cổ Định (tỉnh Thanh Hóa) của Dũng, về những trận đánh đã qua và về những đồng đội hy sinh ngay trong vòng tay của anh, về trận đánh ngày mai mà chắc chắn sẽ vô cùng ác liệt.
Khi đó, Dũng nói mà giọng rưng rưng xúc động: “Rất có thể ngày mai, nhiều đồng đội của em và cả thằng em Lê Anh Dũng của anh sẽ mãi mãi không trở về nữa, song đó là lẽ tự nhiên của người lính. Tất cả chúng em đã sẵn sàng xung trận…”. Tôi nắm chặt bàn tay Dũng. Hai chúng tôi cùng im lặng... Đâu đó ngoài bìa rừng, tiếng gió vẫn rì rào vọng lại, trên nòng pháo xe tăng, những cành mai rừng rực rỡ được anh em chiến sĩ hái vội gắn lên đã nở tung.
Sáng hôm sau, Dũng bắt tay tôi thật chặt rồi nhảy lên xe tăng. Tôi trở lại Sở Chỉ huy Trung đoàn chờ tin thắng trận mà trong lòng không khỏi âu lo. Vài giờ trôi qua, Dũng trở về nhưng trên cáng thương của các anh thanh niên xung phong. Tôi không còn nhận ra Dũng. Toàn thân anh đẫm máu, chân trái băng kín còn chân phải như lìa ra chỉ còn dính da lủng lẳng.
Đồng đội Dũng kể lại, hôm ấy, phân đội xe tăng của Dũng nhận nhiệm vụ bảo vệ Sở Chỉ huy tiền phương của Đoàn 5. Dù không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu nhưng khi thấy xe tăng của đơn vị bị trúng mìn và sa lầy, Dũng đã xung phong xuất kích. Khi xe tăng của anh cách trận địa vài chục mét thì một tiếng nổ xé trời nhấc bổng chiếc xe lên. Dũng nhảy ra khỏi xe cũng là lúc một quả B41 nổ ngay bên cạnh. Bị thương nặng nhưng Dũng vẫn cố gắng lết đi, nén đau để tìm chỗ ẩn náu. Đến khi kiệt sức, anh ngất đi. Khi tỉnh lại, anh mới biết mình đã được đưa về tuyến sau an toàn. Anh được phẫu thuật cắt bỏ chân phía dưới đầu gối ở Quân y viện 7B và sau 4 lần phẫu thuật, đến năm 1979, anh được lắp chân giả.
2- Năm 1984, Dũng về làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam tại TPHCM. Người thương binh hạng 2/4 với một chân giả lại hàng ngày túc tắc đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Ở nhà thuê nhưng nhiều tháng không có tiền trả tiền thuê nhà, Dũng lại đến ở nhờ nhà đồng đội cũ. Công việc chạy lo vật tư cho cơ quan khá vất vả. Mỗi ngày, Dũng phải đạp xe mấy chục kilômét để lo công chuyện nhưng không vì thế mà ngọn lửa nhiệt huyết trong anh lụi tàn. Dũng hoàn thành công việc của mình thật xuất sắc.
Một lần, gặp tôi, Dũng tâm sự: “Em phải luôn cố gắng để xứng đáng với bao xương máu của đồng đội đã ngã xuống”. Vì thế mà dù vết thương hành hạ mỗi ngày, Dũng vẫn tốt nghiệp loại giỏi tại Học viện Chính trị quốc gia.
Có một kỷ niệm mà Dũng không thể quên. Đó là khi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, khi ấy còn là Chủ nhiệm Chính trị của Đoàn 719 đến thăm một đồng chí trong Tổng cục Chính trị đã được nghe kể về anh thương binh “tàn mà không phế” Lê Anh Dũng. Cảm động trước những hy sinh và hoàn cảnh khó khăn của Dũng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã tặng Dũng một chiếc xe Honda 90 làm phương tiện đi lại. Ngồi trên chiếc xe đó, Dũng cứ ngỡ mình đang ngồi trên chiếc xe tăng mang số hiệu 365 xung trận. Đến giờ, dù chiếc xe đã cũ lắm rồi nhưng Dũng vẫn lưu giữ nó như một người bạn thân thiết, đồng hành cùng anh vượt khó.
Nay, ngoài công việc và chăm sóc gia đình Dũng dành khá nhiều thời gian để đi tìm hài cốt đồng đội và làm từ thiện. Mới đây, vào tháng 8-2008, Dũng đã lặn lội về chiến trường xưa tìm được hài cốt liệt sĩ Hứa Văn Nam đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh và báo về gia đình liệt sĩ ở ngoài Bắc. Đến tháng 10, Dũng lại lặn lội qua tận Campuchia, tìm và đưa hài cốt liệt sĩ Doãn Trang hy sinh năm 1973 về Nghĩa trang liệt sĩ Sông Bé. Thật xúc động khi Dũng đưa tôi xem xấp danh sách mấy chục liệt sĩ của Trung đoàn mà Dũng đã tìm hiểu về nơi hy sinh. Anh tâm sự: “Việc tìm hài cốt các đồng đội đã hy sinh là việc em phải làm, làm đến khi nào không còn sức lực để làm nữa mới thôi…”.
Đâu chỉ có vậy, vừa qua Dũng đã đứng ra vận động quyên góp mua máy vi tính, xây dựng hai phòng học vi tính cho hai trường học ở quê hương Cổ Định và tặng 50 suất học bổng cho các em học sinh nghèo là con, em của đồng đội cũ. Còn rất nhiều những dự định mà Dũng đang ấp ủ để giúp đồng đội vượt qua khó khăn.
Giờ đây, Dũng đã có một mái ấm hạnh phúc bên người vợ hiền và hai con ngoan, học giỏi. Vợ anh chính là người y tá năm xưa đã đêm hôm chăm sóc vết thương cho anh ở bệnh viện. Từ cảm phục đến yêu thương, họ đã nên duyên vợ chồng…
XUÂN HÒA