Nghĩa tình Trường Sơn – ân tình tiếp nối

Nghĩa tình Trường Sơn – ân tình tiếp nối

(SGGPO).- Ngày 6-11, tại Khách sạn Liberty Central Saigon Riverside, Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu Chương trình giao lưu nghệ thuật (Gala) tổng kết chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Đến dự có các ông bà: Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam), Đại tá Võ Văn Lẹ (Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng), Nguyễn Văn Du (Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – VietinBank), Phan Thị Thanh Bình (Trưởng phòng Quan hệ công chúng Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, chi nhánh TPHCM).

Nghĩa tình Trường Sơn – ân tình tiếp nối ảnh 1

Tổng Biên tập báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn các đại biểu dự buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Tấn Phong (Thành ủy viên, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Trưởng Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn) cho biết: Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn nhằm vận động nguồn lực toàn xã hội chung tay góp sức chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và đồng bào nghèo đang sinh sống dọc tuyến đường Trường Sơn. Hơn 4 năm qua, Ban tổ chức chương trình đã vận động được  nhiều cá nhân, đơn vị cam kết tài trợ gần 140 tỷ đồng; trong đó  hai đơn vị tài trợ chính là: Ngân hàng Vietcombank - 43,9 tỷ đồng (giai đoạn I) và Ngân hàng VietinBank - 52 tỷ đồng (giai đoạn II). Đến nay, chương trình đã và đang triển khai giải ngân hơn 122,5 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng và bàn giao 1.351 nhà tình nghĩa tại 44 tỉnh, thành; xây dựng và khánh thành 2 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn; xây dựng và trang thiết bị cho 17 trạm xá; xây dựng mới Bản Văn hóa Di tích lịch sử Làng Ho – di tích lịch sử; trao tặng hơn 2.000 suất học bổng… “Nguyên tắc ba không được CB-CNV, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện xuyên suốt chương trình: làm kiêm nhiệm nhưng không nhận phụ cấp, không nhận thù lao, không nhận hoa hồng”, đồng chí Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh.

Gala tổng kết chương trình do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức lần này nhằm mục đích tri ân các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã đồng hành với Báo trong hơn 4 năm qua. Chương trình giao lưu nghệ thuật sẽ mang đậm chất hùng ca của Trường Sơn, bao gồm hai chương. Chương I là phần tri ân qua phần trao Huân chương, bằng khen và những ca khúc gợi nhớ về Trường Sơn. Chương II là phần giao lưu với những đơn vị đã sát cánh với Báo Sài Gòn Giải Phóng trong chương trình và những ca khúc hùng hồn ca ngợi Tổ quốc, dân tộc, với sự có mặt của các ca sĩ Thanh Thúy, Huỳnh Lợi, Vy Hoa, đoàn nghệ thuật Quân khu 7… Chương trình diễn ra từ 20 giờ đến 22 giờ ngày 10-11-2013 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1; được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9 của Đài truyền hình Việt Nam và có thể truyền tiếp trên các kênh ANTV, Quốc phòng Việt Nam, 14 đài tỉnh, thành có dự án lớn của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn.

Sau phần thông tin về Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, phóng viên nhiều báo, đài đã đặt câu hỏi về ý nghĩa và cách thức thực hiện chương trình:

- Phóng viên Báo Nông thôn Việt Nam: Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự kính trọng với những đồng nghiệp Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Xin cho biết Gala được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện 2 giai đoạn của chương trình, hay để Ban tổ chức tuyên bố chấm dứt chương trình? Nếu chương trình thật sự chấm dứt sẽ rất tiếc, vì sức lan tỏa trong xã hội của chương trình rất lớn.

Ông Nguyễn Tấn Phong: Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chương trình nhưng với tầm mức, quy mô khác phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay.

Tổng Biên tập báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (thứ 3 từ trái sang) trả lời câu hỏi của các phóng viên báo, đài tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Tổng Biên tập báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (thứ 3 từ trái sang) trả lời câu hỏi của các phóng viên báo, đài tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kim Ngân

- Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam: Những người nông dân từng là dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn hiện sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn có được Vietcombank, VietinBank cho vay vốn làm ăn thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn?

Ông Nguyễn Văn Du: Đối với việc cho bà con nông dân nói chung, bà con nông dân dọc tuyến đường Trường Sơn nói riêng vay vốn, Chính phủ đã có ngân hàng chính sách phục vụ. Ngân hàng của chúng tôi không có mạng lưới ở vùng sâu, vùng xa nên không có điều kiện phục vụ những đối tượng này.

- Phóng viên Báo Người Lao Động: Là người đồng hành cùng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình? Xin cho biết bộ đội biên phòng đóng góp như thế nào trong chương trình?

 Đại tá Võ Văn Lẹ: Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ngoài ra, bộ đội biên phòng phối hợp với các ngành, đoàn thể của trung ương và địa phương tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo. Với chức năng nhiệm vụ đó, bộ đội biên phòng vinh dự được đồng hành cùng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động. Chương trình đã mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc sống trên tuyến biên giới, đặc biệt ở tuyến đường Trường Sơn. Với nhận thức và trách nhiệm của bộ đội biên phòng, chúng tôi đã lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng dọc tuyến đường Trường Sơn phối hợp cùng địa phương tập trung xây dựng hơn 600 căn nhà đại đoàn kết, 20 công trình xây dựng dân sinh trị giá khoảng 43 tỷ đồng. Chúng tôi vận động thanh niên, phụ nữ ở địa phương cùng với CB-CS các đồn biên phòng góp nhân công lao động trong những phần việc đơn giản nhằm làm giảm kinh phí các công trình.

Trao tặng nhà Nghĩa tình Trường Sơn do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho cựu chiến binh Trường Sơn tại xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Khôi

Trao tặng nhà Nghĩa tình Trường Sơn do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho cựu chiến binh Trường Sơn tại xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Khôi

- Phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Với tư cách là một người lính, tôi rất cảm ơn Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã góp phần giúp cải thiện đời sống những đồng đội của tôi. Xin được hỏi Thiếu tướng Phan Khắc Hy như sau: sau chương trình này, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam có phối hợp với các đơn vị khác tổ chức chương trình tương tự không? Chúng ta phải làm gì để tri ân các CB-CS Trường Sơn, giúp họ có cuộc sống tốt hơn?

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Tôi rất biết ơn bộ đội biên phòng. Thấy rõ bộ đội biên phòng và bộ đội Trường Sơn như anh em sinh đôi, vì bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới dọc tuyến đường Trường Sơn. Thay mặt những người lính Trường Sơn cũ và đồng bào các dân tộc Trường Sơn, tôi xin cảm ơn Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng. Những công việc sắp tới chúng tôi tiếp tục thực hiện là tìm hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm những trường hợp bị nhiễm chất độc da cam chưa được phát hiện, và giáo dục truyền thống về Trường Sơn cho thế hệ trẻ.

Để truyền thông điệp “Không được lãng quên Trường Sơn”, hơn 3 năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã xuất bản liên tục Trang Trường Sơn hôm nay vào thứ năm hàng tuần; đồng thời phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sản xuất loạt phim ký sự 52 tập với chủ đề “Trở lại Trường Sơn huyền thoại”, đã được phát sóng trên kênh HTV7 của Đài Truyền hình TPHCM trong năm 2012. Sắp tới, Ban tổ chức chương trình sẽ xuất bản sách ảnh chủ đề “Trường Sơn hôm nay” với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia từng đạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước như: Lê Hồng Linh, Trần Phong, Thân Nguyên…

ÁI CHÂN – THẠCH THẢO

- TS Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank: Chung một tấm lòng

- Ngày mới ở Trường Sơn

- Thắp sáng đường Trường Sơn huyền thoại

Tin cùng chuyên mục