Nghĩa tình Trường Sơn - Những dấu mốc tình cờ

Nếu không có đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2009), thì nhóm phóng viên chính trị Báo SGGP sẽ không có chuyến đi Trường Sơn và tôi không có cơ hội trở lại Trường Sơn. Và nếu không có chuyến trở lại Trường Sơn tác nghiệp ấy, Báo SGGP cũng không có một chương trình từ thiện mang tên Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn… 1.
Nghĩa tình Trường Sơn - Những dấu mốc tình cờ

Nếu không có đợt tuyên truyền kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2009), thì nhóm phóng viên chính trị Báo SGGP sẽ không có chuyến đi Trường Sơn và tôi không có cơ hội trở lại Trường Sơn. Và nếu không có chuyến trở lại Trường Sơn tác nghiệp ấy, Báo SGGP cũng không có một chương trình từ thiện mang tên Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn…

1.
Ngày 27-7-2009, chương trình được phát động. Nhưng làm cách nào để huy động được các nguồn lực xã hội? Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn được thành lập do tổng biên tập làm trưởng ban. Thành viên là các phó tổng biên tập, trưởng các ban chuyên môn. Bộ máy trông rất “hoành tráng” nhưng tất cả đều kiêm nhiệm, không hưởng phụ cấp. Kiêm nhiệm có nghĩa là không chính thức. Là có thể muốn làm thì làm, không thì thôi. Do vậy, trong cuộc họp đầu tiên bàn về việc vận động tài trợ, hầu hết đều… im lặng! Hình như không mấy ai tin có thể làm nên “cơm cháo” gì?

Công trình Trạm y tế xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) - trạm y tế đầu tiên được xây dựng từ Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ảnh: Trần Phong

Công trình Trạm y tế xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) - trạm y tế đầu tiên được xây dựng từ Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Ảnh: Trần Phong

Không tìm thấy sự vào cuộc tích cực của những phóng viên có quan hệ xã hội rộng, Tổng Biên tập - Trưởng ban Tổ chức động viên: “Mình đã sinh nó ra thì mình ráng làm, được đâu hay đó…”. Có người đề xuất làm gala, có truyền hình trực tiếp, dễ vận động sự ủng hộ của bạn đọc cả nước. Tôi đem điều ấy xin ý kiến tổng biên tập. Anh đồng ý nhưng ra điều kiện: “Phải vận động trước được tối thiểu 3 - 5 tỷ đồng thì hãy tổ chức”. Tôi hiểu đó là sự thận trọng cần thiết. Thực tế, đã có gala không có bao nhiêu tài trợ hoặc có người đăng ký qua điện thoại rồi “xù”!…

Đúng lúc đang “chết đuối” thì “vớ được cọc”. Phóng viên M.T. công tác ở Ban Chương trình Xã hội cho biết Vietcombank sẽ tài trợ, có thể nhiều hơn chỉ tiêu 3 - 4 tỷ. Tôi không dám tin, nhưng M.T. quả quyết và hẹn đưa tôi đi gặp lãnh đạo Vietcombank để bàn cụ thể. Buổi sáng ấy, chị Trương Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, lúc bấy giờ mới là Phó Giám đốc chi nhánh TPHCM, Chủ tịch công đoàn, tiếp tôi. Mặc dù mới gặp lần đầu, nhưng nghe tôi trình bày qua về mục đích của chương trình cũng như tâm nguyện của những người làm báo SGGP, chị Nga nói ngay: “Tôi rất đồng cảm với các anh. Và từ tâm linh, tôi tin Vietcombank sẽ tham gia tài trợ chương trình này”. Chị Nga nói vậy vì quyền quyết định là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vietcombank ở Hà Nội. Có nghĩa là sau khi có công văn của báo, công đoàn phải làm đề xuất ra Hà Nội. Vietcombank có thể đồng ý, cũng có thể không. Thế nhưng, chỉ 2 - 3 ngày sau, sự “đồng cảm tâm linh” của chị Nga đã thành hiện thực. Vietcombank đồng ý tài trợ 40 tỷ đồng thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn...

Sự vào cuộc ngay từ đầu của Vietcombank không chỉ cho chúng tôi một cái “phao” lớn, đủ tự tin đi xa, mà còn tạo ra một phương thức huy động tài trợ: Đơn vị tổ chức, sau khi vận động, sẽ chỉ làm nhiệm vụ “cầu nối” đưa đồng tiền từ nhà tài trợ chuyển thẳng đối tượng thụ hưởng. Không cầm tiền thì không thể phát sinh tham nhũng.

2. Gần hai năm triển khai, 3 - 4 lần ra vô làm việc với địa phương mà hai ngôi đền ở Quảng Bình và Quảng Trị vẫn giẫm chân tại chỗ. Sốt ruột đã đành nhưng bế tắc ở chỗ không tìm ra phương án tháo gỡ. Tình cờ một hôm, chúng tôi đến nhà một đồng chí lãnh đạo Trung ương. Anh em nói chuyện riêng - chung, đột nhiên anh hỏi tôi về Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn làm đến đâu rồi, có khó khăn gì không? Tôi buột miệng than: Có 2 ngôi đền ở Quảng Bình và Quảng Trị, tiền tài trợ có sẵn, địa điểm đã chọn, mà 2 năm rồi địa phương chẳng triển khai. Anh hỏi: “Tại sao?”. Tôi đáp: “Em chịu, làm việc trực tiếp có, công văn có, nhưng vẫn im lặng”. Anh nghe xong, lấy ngay điện thoại, bước ra ngoài, một lát quay vào bảo tôi: “Tôi đã gọi cho Bí thư Tỉnh ủy. Nếu còn chậm nữa thì báo lại…”. Vài hôm sau buổi tối ấy, cả hai tỉnh đã thông tin mời Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn ra họp để bàn về việc triển khai xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn. Bế tắc đã được khai thông! Và chỉ 5 tháng sau buổi họp triển khai, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn ở Bến Tắt đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2012. Và Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn sừng sững trên đồi bên bến phà Long Đại cũng được khánh thành sau đó 1 năm.

3. Cuối năm 2011, nguồn tài trợ giai đoạn 1 đã được giải ngân gần hết. Tiếp tục hay kết thúc? Kết thúc thì dễ. Tiếp tục thì ai tài trợ? Kinh tế đang trong cơn khủng hoảng, suy thoái, Vietcombank không tiếp tục. Vinatex, Tổng Công ty Phong Phú, đặc biệt là Sabeco cũng im lặng. Chỉ riêng kế hoạch sơ kết, dự kiến tháng 9, qua tháng 12 vẫn không thể vì ban tổ chức không lấy được sóng truyền hình trực tiếp của VTV1 nên nhà tài trợ từ chối. Cuối tháng 12, tôi bàn với Tổng Biên tập Trần Thế Tuyển ra Hà Nội để trực tiếp tìm kiếm nguồn tài trợ. Công văn vận động tài trợ đã gửi lãnh đạo VietinBank cả nửa tháng trước nhưng không thấy hồi âm. Những ngày ấy, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng đang tham gia họp Quốc hội nên rất bận rộn. Anh hẹn gặp chúng tôi vào cuối giờ buổi sáng. Trước khi đến gặp, chúng tôi chỉ dám hy vọng vận động được 5 - 10 tỷ đồng. Nhưng khi nghe trình bày mục đích của chương trình, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng xem công văn và quyết ngay: “Đồng ý tài trợ 600 căn nhà trị giá 27 tỷ đồng (45 triệu đồng/căn), 5 trạm xá trị giá 10 tỷ đồng, 1 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại Kon Tum, trị giá 15 tỷ đồng, tổng giá trị tài trợ 52 tỷ đồng. VietinBank cũng nhận tài trợ toàn bộ chi phí tổ chức lễ sơ kết giai đoạn 1 và phát động giai đoạn 2…”. Mọi chuyện diễn ra trong vòng chưa đầy 10 phút, trước sự ngỡ ngàng của tất cả chúng tôi.

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đến nay đã đi vào giai đoạn tổng kết. Nghĩ lại, từ ý tưởng thành hiện thực, ngoài nỗ lực của tất cả đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo SGGP, còn có cả những sự “tình cờ” như vậy. Và mỗi lần như vậy, chúng tôi lại nói vui: Chúng ta làm có sự chỉ dẫn, tác động của các liệt sĩ Trường Sơn!

NGUYỄN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục