“Nghĩa tình Trường Sơn” trên quê Bác

Đến tháng 5 này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP bước vào năm thứ hai triển khai. Thời gian chưa dài nhưng với hơn 700 căn nhà tình nghĩa, 3 trạm xá... đã xây dựng, bàn giao, chương trình tạo được dấu ấn khó phai trong lòng người dân 12 tỉnh dọc đường Trường Sơn, đặc biệt ở tỉnh Nghệ An, quê hương Bác Hồ kính yêu.
“Nghĩa tình Trường Sơn” trên quê Bác

Đến tháng 5 này, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP bước vào năm thứ hai triển khai. Thời gian chưa dài nhưng với hơn 700 căn nhà tình nghĩa, 3 trạm xá... đã xây dựng, bàn giao, chương trình tạo được dấu ấn khó phai trong lòng người dân 12 tỉnh dọc đường Trường Sơn, đặc biệt ở tỉnh Nghệ An, quê hương Bác Hồ kính yêu.

Những ngôi nhà 30++

Trong gói tài trợ hơn 40 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, tỉnh Nghệ An được “phân bổ” 50 căn nhà cho các đối tượng chính sách, trị giá 1,5 tỷ đồng (30 triệu đồng/căn).

Khoản kinh phí không lớn đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển, công cán có khi gấp 2 - 3 lần nguyên vật liệu xây nhà. Hiểu rõ điều đó nên bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc tuyệt đối tiết kiệm, những người thực hiện chương trình còn tìm nhiều cách để “đồng tiền nghĩa tình nở ra”. Phương thức “góp gió thành bão” được triển khai qua vận động mọi nguồn: bà con họ hàng của người được xây nhà; đồng đội cũ, láng giềng, các hội đoàn thể… mỗi người một ít, người không tiền thì góp ngày công lao động… Thế là, 30 triệu đồng của chương trình trở thành “vốn mồi” và được nhân lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba ở nhiều công trình.

Và những căn nhà 30++ ra đời, không chỉ ấm áp nghĩa tình của những người thực hiện chương trình mà còn thắt chặt, nhân rộng nghĩa tình đồng đội, đồng chí, đồng bào, làng xóm, họ hàng với nhau. Điều kỳ diệu của những căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn trên đất Nghệ An là ở chỗ đó. Tiền tài trợ nở ra, nghĩa tình theo đó cũng được nhân lên gấp bội.

“Nghĩa tình Trường Sơn” trên quê Bác ảnh 1

Bà con dân tộc Đan Lai ở bản Búng (xã Môn Sơn, Con Cuông) vui mừng vì có được trạm y tế khang trang ngay ở bản mình

Riêng 10 căn nhà trị giá 300 triệu đồng do Tổng công ty Phong Phú tài trợ được giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thực hiện. Đối tượng tiếp nhận hầu hết là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Hộ nghèo trong bản nghèo không có tiền đóng góp nên trị giá thực của mỗi căn nhà tăng thêm 5 - 10 triệu đồng hoàn toàn nhờ vào công lao động của bộ đội. Đó thực sự là những ngôi nhà ấm áp tình quân dân, góp phần làm vững chắc thêm thành lũy biên cương.

Phát biểu sau khi 50 căn nhà Nghĩa tình Trường Sơn tại Nghệ An hoàn tất, ông Nguyễn Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, cảm kích: “Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã mang đến cho chúng tôi món quà có ý nghĩa lớn hơn giá trị vật chất rất nhiều”.

Đại tá Nguyễn Đình Minh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, một trong những đơn vị “chủ công” thực hiện chương trình, cho rằng: “Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã có những việc làm thiết thực đem đến cho gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh… những món quà đầy nghĩa tình, đậm tính nhân văn. Đặc biệt đã tạo cơ hội cho chúng tôi chăm lo tốt hơn cho đồng đội, làm vơi đi những niềm trăn trở khi nhìn về những mảnh đời nghèo khó của bà con trên những vùng đất huyền thoại anh hùng”.  

Khi rừng sâu bừng sáng

Bản Búng (thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, có 87 hộ dân với 439 nhân khẩu, đa phần là người dân tộc Đan Lai, thuộc diện nghèo đói. Từ bản ra đến trung tâm xã, đi bằng xuồng máy nhanh nhất cũng mất 3 giờ, đi bằng ghe chèo tay mất khoảng 1 ngày, đi bộ còn lâu hơn… Xa xôi cách trở như vậy nên mỗi khi có người ốm đau, bệnh tật, cả bản chỉ trông cậy vào nắm lá thuốc của thầy lang và may rủi của số phận. Nhiều năm trôi qua rồi, mơ ước về một trạm xá vẫn cứ xa xôi…

Bây giờ giữa núi rừng Pù Mát đã có một trạm y tế với kinh phí xây dựng 1 tỷ đồng. Ngày khởi công, hầu như không thiếu vắng gương mặt công dân nào của bản. Già trẻ, gái trai đều mong muốn được chứng kiến giây phút trọng đại ấy. Người dân bản Búng hiểu rằng vẫn có rất nhiều người nhớ đến họ…

Ngày 26-4-2011, trạm y tế Bản Búng được khánh thành. Tổng Biên tập Báo SGGP, Trưởng ban tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Trần Thế Tuyển cho biết, xây dựng trạm y tế ngay tại bản Búng để nơi ấy không chỉ khám chữa bệnh, mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, giao lưu của bà con dân tộc, giữa bà con với bộ đội biên phòng. Qua đó góp phần ổn định và phát triển bền vững khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát - hạt nhân Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An.

Ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, tâm sự: “Con Cuông còn rất nghèo, với tỷ lệ hộ đói nghèo 49,5%, trong đó xã Môn Sơn có tới 65% hộ đói nghèo. Việc trạm y tế được chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xây dựng ngay tại bản Búng có ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt đối với tộc người Đan Lai”.

Không chỉ tặng nhà, xây trạm xá, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn còn trao 400 triệu đồng học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi ở Nghệ An, hàng chục triệu đồng trang bị xuồng máy cho vùng khó khăn và những chuyến hàng mang quà đến tận các vùng biên giới tiếp giáp nước bạn Lào tặng bà con.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục