Nghiên cứu giống để trở thành “thủ phủ” hoa

Từ địa phương khó khăn, các tỉnh Đồng Tháp và Lâm Đồng đã tập trung xây dựng trung tâm nghiên cứu giống cây (con) để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hoa kiểng tại chỗ, cung ứng không chỉ trên địa bàn, mà còn các tỉnh lận cận và xuất khẩu. Không những thế, các “thủ phủ” hoa còn trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo nguồn phát triển kinh tế địa phương.
Trồng hoa công nghệ cao tại TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Trồng hoa công nghệ cao tại TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tăng ứng dụng công nghệ cao 

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh có trên 2.000 chủng loại hoa kiểng và đa dạng về hình dạng, màu sắc hoa. Xác định hoa kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển Làng hoa Sa Đéc và nhờ vậy đã trở thành 1 trong 10 làng hoa được yêu thích nhất Việt Nam. Song song đó, tỉnh tăng cường kêu gọi hợp tác đầu tư phát triển hoa kiểng từ các nước có kinh nghiệm như Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm tiếp nhận quy trình kỹ thuật, kinh doanh và sản xuất giống hoa kiểng mới.

Từ nền tảng trên, năm 2014, tỉnh Đồng Tháp thành lập Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (gọi tắt là trung tâm) để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất hoa kiểng, nhân giống và cung cấp các giống hoa kiểng in vitro (trong ống nghiệm) phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Trung tâm sản xuất khoảng 500.000 cây/năm, đáp ứng 1/3 sản lượng cho toàn tỉnh, phần còn lại chủ yếu được Lâm Đồng cung ứng. Mỗi năm, giá trị sản xuất hoa kiểng đạt khoảng 1.450 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, Làng hoa Sa Đéc cung ứng ra thị trường 4 - 5 triệu giỏ hoa kiểng, nhu cầu cây giống cấy mô khoảng 70%, tương đương 2,8 - 3,5 triệu cây, còn trung tâm cung cấp khoảng 1 - 2 triệu cây/năm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, ban đầu toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 phòng cấy mô thực vật, chủ yếu là khoai tây, hoa địa lan. Vài năm gần đây, với chính sách mở cửa thu hút đầu tư của Việt Nam, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp nhiều chủng loại giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, chuyển sang nuôi cấy mô in vitro đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2011, tỉnh có thêm câu lạc bộ nuôi cấy mô với 40 thành viên đã tạo “sân chơi” trao đổi thông tin, hợp tác mở rộng sản xuất và thị trường cây giống trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 51 tổ chức, cá nhân với 394 phòng cấy; hàng năm sản xuất trên 45 triệu cây giống rau, hoa… và cung cấp cho 49 cơ sở chuyên ươm giống. Số lượng cây giống hoa nuôi cấy mô xuất khẩu trên 14,6 triệu cây, chiếm 32,5% tổng sản lượng cây giống nuôi cấy mô toàn tỉnh. Ngoài ra, có 2 trường đại học, 3 viện và 5 trung tâm nghiên cứu hoạt động nuôi cấy mô tế bào thực vật bằng công nghệ in vitro.

Mở rộng thị trường

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu hình ảnh Làng hoa Sa Đéc đến bạn bè trong và ngoài nước. Trung tâm cũng nghiên cứu nhiều công nghệ như hệ thống cảm biến điều khiển tự động vào xây dựng mô hình sản xuất; phát triển quản lý dinh dưỡng cho cây bằng công nghệ điện toán đám mây và dùng ứng dụng mạng vào giới thiệu, quảng bá thương hiệu hoa kiểng đưa vào sản xuất để đạt hiệu quả cao; từ đó, thu hút nhiều người tham quan, học tập.

Thị trường thiếu lan hồ điệp

Hiện nay, Việt Nam đã nhân giống và sản xuất hoa lan hồ điệp, chủ yếu trồng tại miền Bắc do có khí hậu phù hợp. Với tiềm năng thị trường tiêu thụ tại chỗ rất lớn, số lượng tự sản xuất đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường, số còn lại phải nhập khẩu.

Để có thể tổ chức sản xuất hoa lan hồ điệp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, cần phải quan tâm đến các khâu kỹ thuật như phải có bộ mẫu giống chuẩn, nắm vững nguồn gốc và tuyệt đối sạch virus. Khi tạo ra con lai cần nắm vững nguồn gốc về cây bố và mẹ, phân loại hoa căn cứ vào màu sắc và kích thước.

Các cây giống nuôi cấy mô phải tuyệt đối sạch bệnh, phòng tránh các bệnh đặc trưng trên lan hồ điệp. Trang bị đầy đủ hệ thống nhà trồng với các cơ sở vật chất cần thiết như bể xử lý giá thể, nhà ươm cây các độ tuổi, nhà xử lý ra mầm hoa, nhà nuôi cây thương phẩm. 

Tương lai, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu qua các nước tiềm năng theo từng loại hoa kiểng phù hợp như Trung Quốc, Nhật Bản là hoa kiểng cổ, bon sai; thị trường tiêu thụ kiểng nội thất tập trung tại Hà Lan, Trung Quốc; hoa thời vụ hướng đến thị trường có thể tiếp cận bằng đường bộ trong thời gian ngắn như Campuchia… Từng bước hình thành vùng nguyên liệu hoa để chiết xuất tinh dầu, ẩm thực, dược phẩm, mỹ phẩm, góp phần khẳng định chất lượng đặc trưng và nâng tầm giá trị của hoa kiểng. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp thu thập, tuyển chọn, du nhập các giống hoa kiểng mới nhưng không chuyển giao sản phẩm. Sản xuất hoa chậu là lợi thế lớn của tỉnh nhưng lại không thuận lợi khi vận chuyển đi xa và xuất khẩu. Thời gian tới, Đồng Tháp nghiên cứu về giống, kỹ thuật công nghệ phù hợp với sản xuất hoa cắt cành nhằm thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu hoa kiểng.

Trong khi đó, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với Sở KH-ĐT hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng dự án “Nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô”, ưu tiên dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng thực vật” với quy mô sản xuất từ 1 triệu cây giống/năm trở lên và được hỗ trợ theo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật Trồng trọt để các tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện việc sản xuất, kinh doanh giống in vitro theo luật quy định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với các cơ sở nuôi cấy mô sản xuất cây giống rau, hoa, nấm và dược liệu để các địa phương làm cơ sở căn cứ hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Tin cùng chuyên mục