(SGGP).– Theo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), trong 5 năm qua đã có hơn 4.380 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp được triển khai, tạo ra được 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, thực tế hiệu quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học - công nghệ (KH-CN) nông nghiệp thời gian qua còn rất hạn chế. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; thậm chí có đề tài nghiệm thu xong rồi… để đó.
Trong khi đó, khâu sản xuất thử nghiệm nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm vào sản xuất hoặc đến với doanh nghiệp lại chưa được chú trọng đúng mức. Nguyên nhân chính do thời gian qua, đầu tư KH-CN trong nông nghiệp chủ yếu trả lương cho hoạt động bộ máy và xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí trực tiếp nghiên cứu chưa đủ, thậm chí ở một số lĩnh vực đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu…
Để giải quyết vấn đề này, sắp tới, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan sẽ đổi mới toàn diện cơ chế quản lý tài chính cũng như cơ chế hoạt động KH-CN, có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ KH-CN đầu đàn, cán bộ có nhiều công trình KH-CN ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn…
H.Luông