Nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng tôm ĐBSCL

Nghề nuôi tôm nước ta đang trong thực trạng tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành sản xuất cao, sản phẩm nhiễm kháng sinh, sản lượng tôm sú không tăng… nên đang dần mất đi vị thế trên thương trường ngành tôm quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều

Ngày 21-7, tại Bạc Liêu, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh), để sớm đưa tỉnh Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Theo đó, nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được phát triển. Đến nay, có 25 công ty và trên 800 hộ dân tham gia, với tổng diện tích trên 4.600ha và 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Giá thành sản xuất cao nên ngành tôm mất dần lợi thế cạnh tranh

Giá thành sản xuất cao nên ngành tôm mất dần lợi thế cạnh tranh

Theo ông Thiều, những năm gần đây, nghề nuôi tôm cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng ngày một phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn với các địa phương trong việc giải quyết bài toán chống ô nhiễm môi trường phát sinh từ nghề nuôi tôm.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, địa phương đang xin chủ trương triển khai Dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, lấy nước ngọt từ Phụng Hiệp để pha loãng nuôi tôm. Bởi, thời tiết quá nóng thì tôm sẽ không lớn; nước mặn quá thì tôm dễ bệnh.

Ông Thiều đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp trao đổi, góp ý về chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý môi trường trong nuôi tôm, để nghề nuôi tôm ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả cao và giảm tác động về môi trường.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nghề nuôi tôm nước ta đang trong thực trạng: Tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành sản xuất cao, sản phẩm nhiễm kháng sinh, sản lượng tôm sú không tăng… Do đó đang dần mất đi vị thế trên thương trường ngành tôm quốc tế. Để khắc phục, cần tập trung các giải pháp: Tích cực triển khai các giải pháp để sản xuất tôm với chi phí cạnh tranh như Ấn Độ và Ecuador; nâng cao thương hiệu ngành tôm…

Phát biểu chỉ đạo (qua hình thức trực tuyến), Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ những khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp do tình hình xuất khẩu tôm gặp nhiều biến động trong những tháng đầu năm 2023.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn ngành tôm phát triển bền vững, trước tiên, phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Khi người dân đồng tình, ủng hộ và phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, ngành tôm mới phát triển bền vững và gắn với việc bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các địa phương cần nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng tôm ở ĐBSCL với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) để có thể hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, cùng nhau phát triển.

Tin cùng chuyên mục