Nghiên cứu tổng thể về sụt lún

Nhà nước cần hỗ trợ mạnh

Lãnh đạo Cục quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thống kê, khoảng 95% lượng nước khu vực ĐBSCL được chảy từ hạ lưu sông Mê Công tới. Các nguồn nước mặt, nước ngầm của một số tỉnh khu vực này bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Mùa khô kéo dài, khiến dòng chảy sông Mê Công bị hạ thấp, dẫn tới tình trạng xâm nhập mặn vào đồng ruộng các tỉnh ĐBSCL. Khi mưa lớn, lượng mưa khó đoán định dẫn đến việc sạt lở bờ kênh, sông... Trường hợp khai thác nước ngầm quá mức kéo theo khả năng gia tăng sụt lún đất, tăng dần độ mặn trong nước dưới đất, tăng ngập lụt. Ở ĐBSCL, người dân sống rải rác, tập quán sử dụng nước ngầm vẫn còn phổ biến. Khi đầu tư dự án cần xem xét đến yếu tố văn hóa, xã hội… của bà con. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có những nghiên cứu bài bản, đánh giá tổng thể để đưa ra số liệu đáng tin cậy về tác động sụt lún đất của việc khai thác nước ngầm. Trong thời gian tới, các nhà khoa học, giới chuyên môn nên có nghiên cứu rõ hơn về vấn đề này.

Nhà nước cần hỗ trợ mạnh

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, dự án cấp nước liên vùng là ý tưởng mới mẻ, thiết thực nhưng cũng đầy táo bạo; có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; giàu tính nhân văn. Tuy vậy, dự án mang tầm vóc lớn lao, tác động tới nhiều tỉnh thành, nên cần có sự vào cuộc của Nhà nước. Các đơn vị đầu tư xây dựng cần có sự cam kết, liên kết với từng địa phương, với người dân. Ở quy mô địa phương, cái gì dễ dàng nên chủ động làm trước, vấn đề to tát, lớn lao làm sau. Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Thịnh, đại diện một nhóm doanh nghiệp có ý định đầu tư cấp nước tại tỉnh Bến Tre, cho rằng, để đảm bảo cấp nước an toàn cấp vùng, thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, cũng như vai trò nhạc trưởng của các cơ quan chuyên trách. Nếu khoán trắng để mỗi tỉnh tự làm sẽ rất khó. Ngoài ra, có thể thay đổi tư duy khai thác nước ngầm bằng cách sử dụng lợi thế sẵn có, chẳng hạn như sử dụng hệ thống kênh thoát lũ để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho người dân; từ đó nâng cao hiệu quả của cống đập trong việc cấp nước ngọt cho bà con. Ông Trần Văn Thịnh nhấn mạnh rằng, bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước thì việc sẻ bớt việc điều hành dự án cho các đơn vị tư nhân đảm trách một phần công đoạn xây dựng dự án cấp nước sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Bằng chứng là đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa có cam kết hỗ trợ 7 triệu USD về việc thiết kế dự án, hỗ trợ an sinh xã hội, tái định cư cho khu vực xây dựng nhà máy cấp nước… Thêm nữa, hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế cũng  rất quan tâm tới dự án cấp nước liên vùng này.

Lưu tâm đến giá nước

Ông Rik Dierx, Giám đốc Dự án Biến đổi khí hậu và cấp nước cho khu vực ĐBSCL, đánh giá, ngành cấp nước khu vực này đang gặp nhiều rủi ro. Điều này liên quan tới biến đổi khí hậu, việc xây dựng đập ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của sông Mekong (lũ, dòng phù sa không ổn định), việc khai thác nước ngầm… Việc dự báo nhu cầu nước của người dân ĐBSCL có đúng với thực tế ? Liệu các tỉnh ĐBSCL có đồng thuận hợp tác tham gia mạng lưới cấp nước liên vùng ? Hệ thống cấp nước này ảnh hưởng đến giá nước như thế nào? Liệu các tỉnh có cam kết mua một lượng nước nhất định khi các nhà máy đi vào hoạt động ? Hàng loạt câu hỏi được Ông Rik Dierx đặt ra cho những nhà làm dự án, trong đó có các bộ, ngành của Việt Nam. Ngành cấp nước khu vực ĐBSCL đang có cơ hội lớn chính là độ bao phủ của một hệ thống đường ống cấp nước vùng, mang lại cho các tỉnh khả năng mở rộng đường ống. Việc này hướng tới độ bao phủ gần kín các đường ống cấp nước công cộng ở ĐBSCL. Song song đó, yếu tố thể chế cũng cần xem xét cẩn trọng. Chẳng hạn, liệu các tỉnh có đủ dũng khí chính trị để tăng giá nước hay không? Theo đó, cần sắp xếp về mặt thể chế để có lợi nhất cho người tiêu thụ tiềm năng. Ngoài ra, sẽ xảy ra tranh cãi liên quan đến việc phân công một cơ quan quản lý chuyên trách cấp nước công cộng ở khu vực đô thị, các khu vực nông thôn… Các vấn đề này cần được lưu tâm khi thực hiện dự án.

GIA HÂN (ghi)

Tin cùng chuyên mục