Các chuyên gia và nhà khoa học nhận định, khó có một nơi nào khác trên thế giới lại có được nhiều lợi thế, đặc thù như vùng sông nước ĐBSCL. Thật vậy, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế đất nước. ĐBSCL hiện là vùng sản xuất lương thực, vùng cây ăn trái lớn nhất nước, với sản lượng nông nghiệp vùng chiếm hơn 14% cả nước. Trong đó, gạo chiếm 50%, xuất khẩu thủy hải sản chiếm 50% giá trị cả nước. Lúa gạo, con cá, con tôm của vùng ĐBSCL đã đưa Việt Nam vào tốp những nhà xuất khẩu lớn của thế giới.
Thế nhưng, ĐBSCL vẫn còn là một vùng trắng đối với du lịch. Ông Trần Đạt Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng du lịch tại 13 tỉnh ĐBSCL hiện nay vẫn còn manh mún và non kém. Những tỉnh có lượng khách du lịch đến đông nhất như An Giang, Kiên Giang cũng chỉ khoảng gần 4 triệu khách/năm, doanh thu ở mức 600-700 triệu đồng, con số quá thấp so với tiềm năng du lịch của vùng. Thật xót xa khi thấy mức chi tiêu của một du khách chỉ khoảng 150.000 đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, Trung tâm Học tập Phát triển TPHCM, đánh giá, du lịch tại ĐBSCL thiếu chuyên nghiệp, nhàm chán, có dấu hiệu đi xuống. Sản phẩm du lịch chủ lực vùng sông nước như đờn ca tài tử, ẩm thực Nam bộ lặp đi, lặp lại, không để lại ấn tượng nhiều cho du khách. Cứ đến 1 tỉnh của ĐBSCL thì không cần đến tỉnh khác, vì ở đâu cũng giống nhau. Các doanh nghiệp du lịch tại địa phương cũng thừa nhận, người miệt vườn còn không am hiểu hết về miệt vườn thì làm sao truyền đạt cho du khách hiểu.
Với du khách nước ngoài, vùng đất ĐBSCL là một cái gì rất khác, ít khi họ nhìn thấy ở các nước khác. Vì vậy, với khách nước ngoài, trải nghiệm là điều họ muốn, chứ không phải xuống tát mương lại thấy có máy bơm nước… Đón khách du lịch dạng homestay mà chủ nhà chỉ được công ty du lịch trả chi phí 20.000 đồng/khách, thì có động lực nào để người dân đầu tư cho sản phẩm?
Làm gì để du lịch ĐBSCL phát triển là câu chuyện còn rất dài, chắc chắn cần sự đầu tư mang tính vĩ mô cho cả khu vực.
HÀ NHAI