Tạp văn

Ngõ Hà Nội

Ngõ Hà Nội

Anh N. thân,

Với phương tiện thông tin như bây giờ, dù cách xa cả nghìn cây số, chắc anh vẫn không xa lạ gì với những đổi thay của Hà Nội. Sau bao nhiêu trả giá, Hà Nội ngày nay đã nghĩ đến việc phải nạo vét, phải giữ gìn từng mét vuông mặt nước không chỉ hồ Gươm, hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu... Từ chỗ chỉ lấy việc ăn, việc mặc, việc ở, việc đi lại làm trọng, ngày nay người ta đã bắt đầu thảo luận đến quy hoạch tượng đài, đất dành cho rừng cây, khu nghỉ dưỡng cuối tuần...

Nhưng có lẽ anh còn thiếu những thông tin về bao đổi thay thầm lặng, nho nhỏ, ít ai để ý nhưng thấm sâu, bền chặt của Hà Nội. Chẳng hạn những đổi thay ở ngõ nhỏ mới đây còn là đường làng của anh và tôi…

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Anh hẳn còn nhớ những ngõ nhỏ ngay phía sau phố phường choáng lộn. Cách đây không lâu, mặt phố, biệt thự là của người giàu, ngõ là của người nghèo. Tuy có ngõ khó phân biệt với phố như ngõ Phất Lộc, Huyện, Hàng Hành, Yên Thái, Cấm Chỉ… nhưng phần lớn người trong ngõ có cuộc sống khác với người mặt phố.

Có ngõ dài hun hút hàng cây số như ngõ Chợ Khâm Thiên, Văn Chương, đê Tô Hoàng, Thanh Lương; có ngõ chỉ vài chục mét như Thổ Quan, Tạm Thương. nhưng chúng đều có nét chung đó là nghèo hơn nhưng còn giữ chất “làng” hơn ngoài phố lớn. Càng vào sâu, ngõ càng giống xóm. Cách đây không lâu, những nơi này còn cả ruộng rau, ao cá. Người trong ngõ sống với nhau còn giữ lại nhiều nếp quê.

Cả ngõ biết nhau, thông thuộc gia cảnh, đi lại thăm hỏi nhau, nhất là những dịp giỗ tết. Nhà nào có chuyện vui, chuyện buồn; con cái nhà nào hư, nhà nào ngoan; có người lạ nào xuất hiện, cả ngõ đều biết. Đám thanh niên trong ngõ có cờ bạc, nghiện hút ở đâu chứ về ngõ nhà mình là phải lễ phép, ngoan ngoãn. Nhưng bao đời nay, ngõ cũng là nơi bùn lầy nước đọng, tối tăm ẩm thấp. Từ ngày người lao động từ nông thôn lên thành phố kiếm sống tăng lên, rồi sinh viên, học sinh đổ về thuê nhà, dựng lán, các ngõ xóm càng chật chội hơn.

Cách đây vài năm, thành phố đã chi hàng tỷ đồng triển khai dự án “chỉnh trang ngõ phố”: thảm nhựa lát gạch mặt ngõ, đặt đường nước sạch, khơi thông cống rãnh, ngầm hóa các loại đường dây, hoàn chỉnh số nhà… nhờ đó mà bộ mặt ngõ khang trang hẳn. Đất trống, nhà tạm ít dần, ngõ Văn Chương, ngõ Quỳnh bùn lầy nước đọng giờ đây cao ráo, sáng choang đèn cao áp. Dân cư trong ngõ cũng không chỉ những người lam lũ.

Trên danh thiếp của không ít giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn ngày nay đều có dòng địa chỉ nhà riêng ở ngõ này, ngõ kia. Nhiều người giàu và trí thức khá giả ở Hà Nội đang có xu hướng bán nhà mặt phố để lui vào trong ngõ, ít ồn ào, có không gian thoáng mát hơn. Doanh nghiệp cũng thế, ngày càng nhiều những bao bì thực phẩm cao cấp, nước hoa, thuốc chữa bệnh ghi địa chỉ sản xuất trong ngõ.

Cuộc sống mới ùa vào các ngõ nhỏ rêu phong, làm mất đi nhiều thứ những cũng mang đến nhiều cái mới. Hà Nội có bao nhiêu con ngõ, không ai nhớ được và con số này đang ngày một tăng trong trào lưu đô thị hóa. Có lần tần ngần trước xóm Hà Hồi gần hồ Thiền Quang, anh cứ thắc mắc về cái từ “xóm” ở một nơi chẳng có vẻ xóm một chút nào.

Nghe anh hỏi, tôi cũng chỉ biết cười xòa nhưng bây giờ, xóm ta đang dần trở thành một nơi như thế đấy, anh ạ. Hà Nội đang lớn lên, đang ôm gọn nghìn năm với bao cảnh đời, bao vui buồn trong lòng những đường phố, những con ngõ của mình.

Vũ Duy Thông

Tin cùng chuyên mục