Khảo sát chưa cũ lắm của Liên Hiệp quốc nói rằng 70% dân số toàn cầu vào năm 2010 đang sống ở đô thị. Chẳng biết đó là kết quả của công cuộc thành thị hóa nông thôn hay ngược lại? Ở Việt Nam có thể nhìn thấy bằng mắt thường những thay đổi ấy. Nhiều làng quê Việt đã có đường nhựa chạy qua. Ô tô xe máy dập dìu. Nhà cao tầng hiện đại có lắp chuông bấm ngoài cổng. Đèn điện và nước máy không khác gì thành phố. Nhưng vẫn quê. Chẳng phải vì con người ở đấy cố gắng giữ gìn hồn cốt chân quê. Cũng không phải ở quê thiếu thốn những đầu óc trác việt có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn cho giống với thành thị. Bây giờ ở nông thôn có ai đấy hiến đất cho làng làm đường thì rất có thể được đưa tin rầm rộ trên truyền thông đại chúng. Thế nên làng luôn là một đô thị không có phố. Chỉ là rất nhiều những con ngõ lắt léo không tên hợp lại. Người lạ không thể tự tìm được ngôi nhà mình cần đến. Cứ phải luôn miệng hỏi. “Đường ở mồm” là thành ngữ sẽ được dùng vĩnh viễn.
Thật ngạc nhiên Hà Nội vốn là những ngôi làng hợp lại mà thành. Tên làng vẫn còn tồn tại trên rất nhiều con phố nội thành. Nhưng tuyệt nhiên không thấy một con ngõ làng nào cả. Những Ngõ Gạch, Cấm Chỉ, Tạm Thương, Phất Lộc, Thọ Xương... mang tên ngõ nhưng thực ra là những con đường trải nhựa hai mặt phố có đánh số nhà cẩn thận. Những con ngõ đặt theo tên phố hoặc số nhà bên ngoài cũng vậy. Dù chật hẹp hơn những con ngõ có tên nhưng để tìm nhà ai trong ấy cũng không khó khăn gì.
Sẽ là rất buồn cười khi nói rằng có đến hơn 90% người Hà Nội sống trong ngõ. Nhưng điều đó là chính xác. Nhà mặt phố nào cũng mở cửa hàng và cửa hàng nào thì cũng chỉ có nhiều nhất một người Hà Nội làm chủ trông coi. Số còn lại nhân viên thường là người ngoại tỉnh đến làm thuê. Và cũng có rất nhiều cửa hàng cho người ngoại tỉnh thuê. Ở đấy đương nhiên vắng bóng người Hà Nội.
Người Hà Nội buồn vui lo lắng ở trong những con ngõ phần lớn không tên. Những con ngõ có tên cũng đồng nghĩa với mặt phố dùng để mở cửa hàng. Ngõ không tên nhiều khi rất nhỏ. Đến mức phải chờ nhau mà ra vào. Ngõ 15 Bà Triệu còn phải bóc đi bớt một lớp gạch ở đúng tầm ghi-đông xe đạp, xe máy mới có thể dắt xe. Vài ngõ trên phố Hàng Bạc muốn vào phải nghiêng mình mà lách đi như diễn viên chèo thực hiện động tác xuyến. Ngõ trong những khu nhà ống phố cổ thường tối tăm ẩm thấp và cũng phần lớn bị chiếm dụng khoảng không làm gác xép. Có những gác xép chủ nhân là người ở căn buồng cạnh ngõ. Cũng có gác xép là nguyên một hộ dân sinh sống độc lập. Cầu thang sắt chữ U chôn thẳng vào tường. Ị bô và “tắm búng”. Kỹ thuật “tắm” không cần nước này là phát minh của mấy anh tù cấm cố chẳng biết từ đời nào. Chỉ kỳ và búng thôi. Một cách rèn trí nhớ tuyệt vời. Buộc phải nhớ những vùng bát ngát da dẻ ngón tay đã từng đi qua.
Người Hà Nội ngõ tự hào gọi là sống ở đằng sau Hà Nội. Rõ ràng niềm tự hào ấy là có căn cứ so với những người sống ở đằng trước. Nghĩa là lêu lổng ngoài đường. So với những người sống ở trên Hà nội trong những tòa cao ốc thì ở đằng sau còn hơn chán. Và dĩ nhiên so với những người sống bên cạnh Hà Nội thì hơn hẳn. Vài người sống chui rúc đằng sau Hà Nội quẫn trí tìm ra mua đất xây nhà ở những vùng ngoại thành bên cạnh. Cũng chỉ được năm hơn năm kém lại phải tìm về. Mì tôm thay phở, cà phê tự pha còn chịu được. Tóc vợ cắt mới là chuyện kinh khủng nhất. Trên đầu là bao gồm tất cả những mệt mỏi chán chường. Đôi khi còn ngầm ý răn đe bằng những đường kéo tạo độ chông chênh ngờ vực như lợp ngói. Tóc vợ cắt rất dễ nhận ra. Không những kém thẩm mỹ mà còn mang tiếng là thằng tiếc tiền.
Ở ngoài mặt phố chỉ có một hạng người mà thôi. Làm ăn buôn bán. Trong ngõ mới đầy đủ các thành phần nhộn nhịp suốt đêm ngày. Năm giờ sáng là các cụ già đổ ra đường tập thể dục. Sáu giờ là dành riêng cho bếp than tổ ong nhả khói. Sáu giờ rưỡi là hàng quán cắp nách lè phè trưng ra. Bảy giờ là luồn lách qua hàng quán mà đến công sở. Người trong ngõ dĩ nhiên phần lớn công chức nhưng cũng có khá nhiều văn nghệ sĩ muốn tránh cái ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Khá nhiều đại gia giàu có văn phòng chăng đầy trên phố nhưng cũng lui về ngõ sống với quần đùi may ô đi lại thênh thang chẳng phải ý tứ chào hỏi gì ai. Vài thầy giáo dạy thêm cho trẻ con dựng xe ngoài cửa rất ngang tàng. Vài ôsin xi em bé tè thẳng ra ngõ. Nền ca nhạc trong ngõ vô cùng đa dạng với hắt hiu nhạc tiền chiến ở nhà mấy cụ hưu. Chen vào đấy là bậm bịch loa thùng của đám trẻ hiphop. Thêm nữa là những bài “kim băng thuốc chuột” não nề của mấy ôsin vắng chủ nhớ nhà. Kinh nhất phải nói đến nhạc phát ra từ những chiếc điện thoại cave. Nhớ thương buồn tủi nao lòng.
Ngõ nhỏ Hà Nội không bao giờ cũ dần theo năm tháng mà ngược lại. Luôn luôn có người sửa chữa cơi nới nhà cửa. Phải rất lâu người Hà Nội mới hiểu rằng vì sao con ngõ mình ở không bao giờ bước chân được vào thi ca nhạc họa. Đó là nơi ký ức biến mất hoàn toàn chỉ sau khoảng mười năm thêm thắt. Và làm gì có nỗi niềm nào bật ra thi ca nhạc họa khi nhìn vào một con ngõ luôn mới toanh như thế!
ĐỖ PHẤN