"Con chim se sẻ, nó đẻ cột đình/ Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình chị em ơi”. Hồi nhỏ ru em, tôi vẫn hay ca như vậy. Câu ca ấy nhiều người hát lắm, già như ngoại tôi cũng hát, tuổi như má tôi cũng hát, bây giờ con nít ru em cũng hát… Có những lời ca không dạy mà thuộc, chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trưa, ngoại hay đưa võng ra ngoài bụi tre mắc vào mà ru cháu: “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”. Lạ, hình như những người bà, người mẹ cứ cất giọng hát ru là nghe rất ngọt. Hễ cứ hát ru là hay đến lạ. Tôi nhớ giọng ngoại khàn đục, hát từng tiếng một, từng tiếng một: “Cái cò là cái cò kỳ…”.
Ngoại tôi năm nay ngoài bảy mươi. Tôi hay sờ làn da ở tay và chân của ngoại. Chúng nhăn nheo, sần sần như thân cây sồi già trước cửa nhà. Ấy là nước da của thời gian. Ngoại cười: “Ông trời con, đòi so sánh da ngoại và da mày hở con”, “ông trời con” là cái cách ngoại vẫn hay gọi tôi. Da người già khô khô giống như thân cây bị thiếu nước vậy. Nhiều người già trong làng cũng vậy không riêng gì ngoại tôi.
Bây giờ thẩm mỹ viện nhiều, phụ nữ trung niên lo bị lão hóa da dữ lắm. Nói vậy chứ cỡ tuổi ngoại tôi và những người bà ở làng quê hanh gió này thì thẩm mỹ viện được hiểu là cái chỗ của mấy đứa mới lớn tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, quan tâm làm chi.
Thời ngoại tôi còn con gái, kể rằng ấy là những năm đói dữ mà… đẻ cũng dữ. Ngoại có những mười một người con. Tôi hỏi hồi đó đói mà sao sinh con dữ vậy, ngoại bảo: “Ông trời con, thắc mắc chi lạ, hồi ấy đói thì có đói thiệt, khổ thì có khổ thiệt, nhưng nhà ai cũng muốn con cháu đầy đàn, một phần là do chiến tranh, một phần… còn sức còn đẻ”. Nhiều bà nội, bà ngoại trong xóm cũng vậy, nhà bảy, tám con ấy là chuyện thường.
Ngoại làm mẹ hồi mới mười sáu, mười bảy, thời ăn cơm độn sắn là nhiều, vậy mà con cái vẫn lớn lên hết ráo. Vậy mà khi già nhiều người chỉ trơ trọi một mình, con đàn cháu đống mà mỗi đứa một nơi. Đâu có phải nhà nào đông con cũng là có phước cả, nhất là khi lũ con nạnh họe nhau chia trách nhiệm khi cha mẹ về già.
Mẹ tôi bảo, cứ xem phim thấy người ta bỏ cha, bỏ mẹ mà xót, sao họ không nghĩ cái cảnh khi người ta già cũng bị con cái đối xử như thế. Đứa em tôi bảo: “Chắc mấy người đó xí phần trong viện dưỡng lão rồi đó mẹ”. Bây giờ ngoại tôi già rồi. Ai cũng mong ngoại khỏe, nhất là đám con cháu. Người ta nói người già có người trông mạnh vậy, chứ mà té xuống là nằm thôi, có khi đi luôn, như thân cây khô dễ mục.
Lần nào nghe cải lương hát vở Tô Ánh Nguyệt, ngoại tôi cũng khóc. Ngoại bảo hồi trước đoàn hát về xã chen nhau trốn nhà mà đi coi, coi đào hát ngay trên sân làng rộng, ngọt cái lỗ tai. Bây giờ năm thì mười họa truyền hình mới chiếu được một vài vở cải lương. Cũng là mấy vở xa lơ xa lắc rồi, chứ đâu có mới. “Không biết mấy ổng có quên người già rồi sao ấy, cứ chiếu toàn mấy cái phim tụi trẻ ghiền, người già thì không hiểu gì cả”.
Ngẫm ngoại nói cũng phải, ở làng, nhà nào to, sắm cái ti vi bự bắt được truyền hình cáp thì coi không biết chán. Còn nhà nào mua cái ti vi nhỏ nhỏ, giống như nhà ngoại, thì chỉ bắt được có mấy kênh, chắc đếm được trên đầu ngón tay: VTV1, VTV2, VTV3, với lại đài PT-TH của tỉnh. Mà đài tỉnh thì chỉ toàn chiếu phim kiếm hiệp của Trung Quốc, hoặc phim tình cảm của Hàn Quốc… xem hoài đâm chán.
“Mong nó phát cái cải lương cho nghe mà muốn mỏi mòn”. Tôi nói: “Thôi để con mua đĩa cải lương về mở cho ngoại nghe, nghe đã luôn”. Ngoại cười: “Thôi con ạ, ngoại chỉ thích nhìn cái ti vi thôi, nhìn cái máy tính của con không có quen, mỏi mắt lắm”.
Tôi có ông cậu nhà ở Sài Gòn, lâu lâu lại năn nỉ ngoại vô chơi. Ừ, thì bà cũng đi. Cứ vô được một tuần, lại đòi về. Cậu bảo: “Mẹ về cũng có làm gì đâu, nhà cửa đã có vợ chồng thằng Út lo, mẹ ở chơi với tụi con”. Bà cứ nằng nặc: “Tao về, để bầy heo ở nhà tao lo lắm”. Thế, biết ngay là ngoại nhớ quê không chịu được nên đòi về. Về quê, người già có chuyện mà làm. Không đi bứt cọng cỏ, thì trồng rau, đi thăm ruộng, chăm đàn gà, buồn thì qua nhà hàng xóm, hoặc chơi với lũ trẻ.
Sống ở thành phố, ngoài nhà con trai ra ngoại chẳng biết ai, không có bạn già, không có lũ trẻ. Lũ trẻ học tối ngày, về đến nhà đứa nào cũng được sinh hoạt theo “chế độ” có sẵn. Mà cái thời buổi này có mấy đứa con nít thích rúc đầu vào mình bà đòi kể chuyện “Chú Cuội cung trăng”, tụi nhỏ có lắm cái trò “Audition” phải lên “level”, cái gì mà “Thiên long bát bộ”, “siêu nhân”, “dũng sĩ” nghe cứ ồ ồ cái lỗ tai…. Rồi, ngoại muốn làm gì con dâu cũng cản: “Mẹ cứ chơi, để con làm”. Ngoại nói: “Ông trời con ạ, mợ mày cho ngoại ăn chơi không rồi, không biết làm gì, thôi ngoại về”.
Thế, ngoại là người già. Người ta bảo người già tính giống con nít, nên có lúc cũng hay dỗi hờn, muốn được quan tâm, muốn được làm việc, ghét cái cảm giác bị cho là thừa thải, bị cho là vướng tay vướng chân. Ngẫm ra may mà còn có đồng lúa, ruộng khoai, bầy gà, lũ vịt và đàn cháu nhỏ để ngoại tôi vui đùa sớm chiều.
Chiều đi dọc công viên, thấy bà ngoại, bà nội của ai đó dắt cháu đi dạo mà bỗng nhớ ngoại mình. Tâm sự của người già nó như thế nào, người già hôm nay muốn gì, cần gì? Rồi những kho chuyện cổ tích, những kho kinh nghiệm dân gian một thời, cái thời của ngoại, sẽ được thay bằng những thế hệ tiếp nối chăng? Vẫn hỏi: “Ngoại ơi, ngoại thích cái gì, con mua về cho ngoại”. Biết là ngoại sẽ trả lời: “Ngoại chẳng thích cái gì, ngoại chỉ thích tụi con về với ngoại thôi”.
Có phải người già ham vui? Hình như không phải, chỉ vì người già sợ cô đơn, sợ một mình. “Thương ngoại bây giờ một mình thui thủi vào ra/ Chiếc võng bên hiên cũng trách sao mấy đứa nhỏ không về/ Hàng cau sau vườn thì thầm theo bóng ngoại mong/ Về đi con hỡi có làng quê/ Có ngoại đang chờ”, chợt nghe lời ca trong bài hát “Ngoại tôi” của nhạc sĩ Đình Văn mà thấy nhớ ghê cái thuở ngoại ẵm bồng hát ru: “Cái cò mày đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”. Hễ ngoại hát ru là nghe sao thấy ngọt…
Thẩm Trinh