Ngôi nhà ấm áp của ngư dân

Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Nghiệp đoàn nghề cá trên biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp giúp hàng trăm đoàn viên ngư dân đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau khi hành nghề khai thác thủy hải sản. Qua đó giúp ngư dân cải thiện cuộc sống, yên tâm bám biển, bám ngư trường và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Ngôi nhà ấm áp của ngư dân

Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Nghiệp đoàn nghề cá trên biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp giúp hàng trăm đoàn viên ngư dân đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau khi hành nghề khai thác thủy hải sản. Qua đó giúp ngư dân cải thiện cuộc sống, yên tâm bám biển, bám ngư trường và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Như anh em một nhà

Những ngày này, thời tiết ở vùng Bắc Trung bộ mưa phùn rả rích, giá lạnh căm căm, biển động nên nhiều tàu thuyền của Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng tạm thời lui về cảng cá Cửa Nhượng, Cửa Sót… neo đậu. Còn đoàn viên ngư dân thì tranh thủ vá víu lại chài lưới, sắm sửa ngư cụ, dầu đèn để chuẩn bị cho đợt vươn khơi mới dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Tháng 10-2013, Cẩm Nhượng là xã đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá trên biển theo chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm tập hợp, đoàn kết lao động nghề cá, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân… Những ngày mới thành lập, nghiệp đoàn gặp không ít khó khăn, do một số bà con ngư dân vẫn còn bỡ ngỡ trước mô hình hoạt động mới. Một số băn khoăn không biết khi vào nghiệp đoàn sẽ được lợi ích gì và mất gì. Công tác tuyên truyền cũng hạn chế do ngư dân Cẩm Nhượng thường xuyên hoạt động trên biển dài ngày, lao động đi biển chủ yếu trên 42 tuổi, lớp trẻ không mặn mà với nghề mà chuyển sang đi xuất khẩu lao động.

Đến nay, nghiệp đoàn đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả rất cao, thu hút hơn 171 tàu thuyền các loại (trong đó có 1 tàu gần 400CV, 13 tàu từ 110-250CV, còn lại từ 20-90CV), hơn 240 đoàn viên thuộc 17 tổ hợp đoàn kết sản xuất trên biển tham gia có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất hoặc khi có sự cố. Các tổ đều được trang bị đầy đủ phương tiện thông tin và bảo vệ.

Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (giữa) cùng các đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng may vá lại lưới ngư cụ để chuẩn bị ra khơi dịp cuối năm.

Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (57 tuổi, ở thôn Tân Dinh), Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng phấn khởi: “Nghiệp đoàn thành lập đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của ngư dân Cẩm Nhượng. Trước đây, các tàu đều mạnh ai nấy làm riêng rẻ, sản lượng khai thác ít ỏi và thường đối mặt với nguy cơ tai nạn cao. Nhưng từ khi có nghiệp đoàn ra đời là một ngôi nhà chung, mọi người đều xem nhau như là anh em kịp thời động viên, chia sẻ mọi khó khăn, thách thức. Chúng tôi cùng nhau ra khơi, đoàn kết gắn bó chặt chẽ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cả trên biển lẫn trên bờ. Ngoài ra, nghiệp đoàn còn tập huấn, tuyên truyền sâu rộng về Luật biển quốc tế, nhờ vậy mà ngư dân càng tự tin, yên tâm bám biển, bám ngư trường”.

Phát triển nghiệp đoàn

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, nghiệp đoàn là một trong những lực lượng sản xuất, khai thác nghề cá chủ lực mũi nhọn kinh tế của địa phương với doanh thu bình quân gần 100 tỷ đồng/năm (thu ngân sách toàn xã năm 2014 là 255 tỷ đồng, 2013 là 245 tỷ). Nghiệp đoàn không chỉ đoàn kết được các ngư dân, giúp đỡ lẫn nhau kịp thời ngăn chặn tàu cá ngoại tỉnh vào ngư trường phá rách lưới ngư cụ, dùng đèn siêu cao áp, mìn, kích điện…để khai thác bừa bãi hủy diệt môi trường mà còn nhiều lần kịp thời phát hiện, cấp báo cho cơ quan chức năng Việt Nam biết xử lý nhiều tàu cá nước ngoài vào khai thác trái phép, đảm bảo an ninh trật tự trên biển.

Ngư dân Nguyễn Văn Thanh cho biết, hầu hết tàu thuyền của nghiệp đoàn chủ yếu đánh bắt khai thác hải sản trên vùng biển Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và ở vùng Vịnh Bắc bộ… cách đất liền từ 55-60 hải lý. Sản lượng đánh bắt năm 2014 đạt trên 3.000 tấn hải sản các loại. Trong năm 2015, kết hợp với những chính sách hỗ trợ kinh phí của Chính phủ, của tỉnh và huyện, nghiệp đoàn dự kiến đăng ký sẽ đóng mới 3 tàu gỗ vỏ sắt công suất hơn 400CV/tàu và 1 tàu gỗ 400CV chuyên phục vụ dịch vụ hậu cần tiếp tế xăng dầu, thực phẩm, cứu hộ cứu nạn… trên biển. Ngoài ra, sẽ kết nạp thêm 40-50 đoàn viên mới, tăng sản lượng, nâng mức thu nhập lên 4-6 triệu đồng/đoàn viên/tháng (hiện tại 2,5-3,5 triệu đồng/đoàn viên/tháng).

Thời gian qua các cơ quan, đoàn thể và chính quyền địa phương ở Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ đoàn viên ngư dân nghiệp đoàn vươn khơi bám biển với hơn 100 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ sản xuất. Ngoài ra, tặng 400 lá cờ Tổ quốc và 100 áo phao, hỗ trợ một số tàu lắp đặt hệ thống dàn đèn, bộ đàm thông tin liên lạc… Đặc biệt, ngày 27-7-2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp về trao tặng 157 tủ thuốc trang bị cho tàu cá đánh bắt xa bờ cho Nghiệp đoàn nghề cá Cẩm Nhượng. Tủ thuốc gồm các loại thuốc điều trị các bệnh thường gặp và một số dụng cụ y tế để bà con có thể tự chăm sóc sức khỏe.

Theo ông Trần Xuân Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 50 tổ đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 295 tàu cá (mỗi tổ 5 - 7 tàu) làm nghề câu, rê vùng khơi, vùng lộng tại vùng biển Vịnh Bắc bộ…

Từ hiệu quả thành công của mô hình thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng, năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phấn đấu vận động thành lập thêm mô hình Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim ở huyện Lộc Hà, sẽ thu hút khoảng 150 - 170 đoàn viên ngư dân và trên 120 tàu cá tham gia. Ngoài ra, thành lập thêm 30 - 40 tổ đội đoàn kết mới khai thác hải sản trên biển, nâng cao giá trị kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục