
Những năm gần đây, “phấn trắng bảng đen” truyền thống ở nhiều tiết giảng đã được thay bằng giáo án điện tử (GAĐT) sinh động. Không chỉ có thế, việc tin học hóa học đường còn “nối nhịp cầu” thiết thực giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh (HS).
- Những tiết học sinh động

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5). Ảnh: M.H.
Trên màn hình lớn, nội dung bài học “Lao động, việc làm và chất lượng cuộc sống” được tóm tắt qua các gạch đầu dòng, bảng số liệu. Kế tiếp, màn hình hiển thị câu hỏi: Phân tích những hình sau và cho biết vì sao nói việc làm đang là vấn đề gay gắt ở nước ta?
Cảnh người gánh hàng rong đứng bán giữa trời mưa, anh Honda ôm dựa gốc cây chờ khách… gợi lên trong lòng HS nhiều suy nghĩ. Sau khi chuyển tải xong phần nội dung bài học là đến phần đánh giá.
Giáo viên yêu cầu HS kết hợp ý ở cột A và cột B cho đúng, nhằm đo lường, kiểm tra kiến thức các em đã tiếp thu trong giờ giảng. Cô Nguyễn Thị Phương Anh, Trường THCS Đức Trí (quận 1) đã kết thúc giờ dạy môn Địa lý bằng giáo án điện tử trong sự luyến tiếc của HS.
Tiết học trôi qua nhẹ nhàng, thoải mái nhưng HS vẫn nắm được ý chính ngay tại lớp. HS trầm trồ trước các hình ảnh danh lam thắng cảnh của đất nước: vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, cầu Tràng Tiền… những cảnh đẹp mà nhiều em chưa bao giờ đặt chân đến.
Giờ học với GAĐT đã tạo ra một không khí mới khác hẳn với giờ dạy truyền thống. Cô Trịnh Thị Định, giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), kể: Môn công dân là môn học mà PH và HS đều có tâm lý xem nhẹ. 10 năm đầu giảng dạy môn công dân, tôi rất đau khổ. Nhưng sau khi tôi lồng hình ảnh, âm thanh vào làm sinh động bài giảng thì môn công dân không còn khô khan, cứng nhắc nữa.
- Lên website xem điểm
Ứng dụng CNTT vào học đường phổ thông không chỉ dừng lại ở GAĐT mà vài năm trở lại đây, một số trường THCS, THPT có điều kiện như THCS Trần Văn Ơn, THCS Nguyễn Văn Tố, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Trưng Vương, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lê Quý Đôn, THPT Dân lập Trương Vĩnh Ký, THPT Dân lập Ngôi Sao… đã tiến thêm một bước dài. Đó là tin học hóa trong quản lý nhà trường, bao gồm kết nối Internet ADSL, mạng máy tính LAN, xây dựng các website hình ảnh về trường.
Tại Trường THPT Võ Thị Sáu, Internet ADSL được kết nối đến 43 lớp học và tất cả các phòng ban, HS có thể truy cập mạng miễn phí trong giờ ra chơi. Ngoài ra, điểm số HS được vi tính hóa, PHHS chỉ cần ngồi nhà “click” chuột để kiểm tra kết quả học tập của con em. Internet đã giúp mối quan hệ giữa nhà trường với PHHS gắn bó hơn.
Riêng HS, các em có thể vào website của trường xem bản tin nóng “còn 100 ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2006”, “đã có lịch kiểm tra chung đợt 3”, tham gia “góc học tập” hay giải trí ở “góc thư giãn”… Ông Lê Duy Tân, Hiệu phó Trường THPT Võ Thị Sáu, cho biết: “Năm 2000, khi tin học hóa học đường, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và về nhân lực. Cán bộ quản lý chưa được đào tạo về tin học. Cả trường chỉ có 1 giáo viên đang theo học ngành CNTT.
Đa số giáo viên của trường là giáo viên lớn tuổi, ngán ngại sử dụng máy tính vì hiệu quả mang lại chưa cao. Số đông còn xem việc ứng dụng CNTT là không cần thiết. Nhưng dần dần, phương pháp trực quan sinh động của bài giảng điện tử đã thuyết phục được giáo viên. Hiện GAĐT đã được thực hiện ở tất cả các bộ môn (ngoại trừ môn thể dục).
- Chưa có quy chuẩn đánh giá tiết dạy bằng GAĐT
Khảo sát tỉ lệ kiến thức HS nhớ được sau khi học bằng các giác quan cho thấy, nếu sử dụng phương pháp dạy học truyền thống với phấn trắng bảng đen thì hiệu quả mang lại chỉ có 30%, trong khi hiệu quả của các phương tiện truyền thông đa dạng, hiện đại lên đến 70%. |
Mặc dù nhiều hiệu trưởng mơ ước tạo dựng một website phong phú để quảng bá hình ảnh về trường, song điều cốt lõi của ứng dụng CNTT vào học đường chính là nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại.
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2000-2010 có nhấn mạnh: Các ứng dụng CNTT sẽ trở thành thiết bị dạy học chủ đạo trong giảng dạy.
Theo nhận định của ông Vũ Thiện Căn, chuyên viên Sở GD-ĐT TPHCM, hầu hết các trường của TP đều đưa GAĐT vào giảng dạy, tuy nhiên, mức độ và liều lượng còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất và sự nhiệt tình của ban giám hiệu. Mặt khác, sự hạn chế về tài chính, không có biên chế cho người phụ trách tin học, Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chuẩn để đánh giá một tiết học bằng GAĐT… là những nguyên nhân khiến ứng dụng CNTT ở nhiều nơi chỉ mới dừng lại ở các tiết học thao giảng.
Sở GD-ĐT TPHCM đang có kế hoạch thành lập “thư viện” giáo án điện tử, giúp giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy bằng các phương tiện công nghệ thông tin, đỡ mất thời gian và đạt hiệu quả cao. Tất cả giáo án điện tử các trường THCS, THPT được chọn lựa, biên tập lại và đưa xuống cho giáo viên các trường tham khảo, học tập và sử dụng nếu thấy phù hợp.
Theo ông Vũ Thiện Căn, trong giờ lên lớp, người thầy giữ vai trò chủ đạo, còn phương tiện kỹ thuật chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ. Do vậy, người thầy không nên lạm dụng mà cần sử dụng hình ảnh, âm thanh minh họa, tư liệu dẫn chứng... một cách phù hợp với nội dung bài giảng.
DOANH DOANH