Ngôi trường mới ở Trường Sa

Một ngôi trường với kinh phí xây dựng hơn 8 tỷ đồng vừa được khánh thành và đưa vào hoạt động tại xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ngôi trường được xây dựng từ sự đóng góp của các thầy cô giáo thuộc Công đoàn ngành giáo dục và học sinh các ngôi trường phổ thông ở TPHCM, đã trở thành động lực lớn cho sự nghiệp “trồng người” ở tuyến đầu biển đảo của Tổ quốc.
Ngôi trường mới ở Trường Sa

Một ngôi trường với kinh phí xây dựng hơn 8 tỷ đồng vừa được khánh thành và đưa vào hoạt động tại xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ngôi trường được xây dựng từ sự đóng góp của các thầy cô giáo thuộc Công đoàn ngành giáo dục và học sinh các ngôi trường phổ thông ở TPHCM, đã trở thành động lực lớn cho sự nghiệp “trồng người” ở tuyến đầu biển đảo của Tổ quốc.

Ngôi trường mới ở Trường Sa ảnh 1

Các em nhỏ vui chơi trong sân trường mới xây dựng ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Việt Dũng


Những tấm lòng “Vì Trường Sa thân yêu”

Hưởng ứng cuộc vận động “Hướng về biển đảo quê hương” do UBMTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, từ năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã phát động chương trình “Một trường học cho học sinh Trường Sa”. Chương trình đã nhanh chóng lan tỏa khắp thành phố.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết: Nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố đã có những cách làm rất thiết thực và hiệu quả. Ví dụ như thầy cô giáo thì trích tiền thưởng, dành 1 ngày lương trong tháng, vận động mạnh thường quân, thực hiện các công trình, việc làm tạo ra lợi nhuận để gây quỹ… Các em học sinh lại có nhiều cách làm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với các bạn nơi đảo xa, phổ biến nhất là tiết kiệm bỏ ống heo, nhịn ăn sáng, thu gom giấy vụn, ve chai bán lấy tiền góp vào quỹ… Có em học sinh ở một trường của quận Tân Phú còn vẽ tranh bán lấy tiền ủng hộ xây trường học cho Trường Sa. Một số em khác ở quận 1, 3, Gò Vấp… mỗi tuần dành một buổi ngoài giờ học phụ giúp gia đình giữ xe, dọn hàng, phụ quán ăn để lấy tiền đóng góp.

Những việc làm đầy nghĩa tình trên đã tác động tích cực đến công tác giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, kiến thức và tình yêu biển đảo cho thế hệ trẻ hôm nay.

Yên tâm học tập trong ngôi trường mới

Đó là suy nghĩ mà các hộ dân sống trên đảo Song Tử Tây bày tỏ trong lễ khánh thành, bàn giao ngôi trường mới do Đoàn công tác số 2 TPHCM và Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thực hiện trong chuyến đi Trường Sa vừa qua.

Gia đình anh Đoàn Duy Việt và chị Phạm Thị Bích Luyện vui mừng khôn xiết, vì từ năm học mới này 2 đứa con của anh chị và nhiều đứa trẻ khác trên đảo được học trong ngôi trường khang trang, rộng rãi với khá đầy đủ các thiết bị dạy và học. Anh Việt nói: “Trước kia trên đảo không có trường, con em các hộ dân phải học ké trong nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, hội trường đảo... Nay các cháu ổn định chỗ học, vợ chồng tôi mừng lắm”.

Khuôn mặt tươi cười của thầy giáo tình nguyện Lê Xuân Quyết trong ngày đón Đoàn công tác số 2 của TPHCM đã nói lên tất cả tấm lòng mà ngành giáo dục - đào tạo thành phố dành cho Trường Sa và đảo Song Tử Tây. Thầy trò và người dân trên đảo thật bất ngờ khi công trình từ ngày phát động quyên góp đến khi hoàn thành chỉ mất hơn 1 năm. Và niềm vui được nhân lên khi trong ngày khánh thành có các thầy cô cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM ra tận nơi gặp gỡ thầy trò, tâm sự, trao đổi nghiệp vụ và hướng dẫn tận tình việc sử dụng các thiết bị dạy học cho nhà trường. Đây là tình cảm, niềm động viên to lớn đối với thầy trò Trường Tiểu học Song Tử Tây. Tất cả quyết tâm trong năm học mới này phấn đấu đạt kết quả dạy và học cao nhất, xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ chí tình chí nghĩa của đất liền - hậu phương TPHCM dành cho Trường Sa thân yêu.

HOÀI NAM 

Tin cùng chuyên mục