Ngọn lửa anh hùng ca bất diệt

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Mùa A Sơn (ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên xung quanh quá trình đổi thay trên mảnh đất chiến trường xưa.
Ngọn lửa anh hùng ca bất diệt

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Mùa A Sơn (ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên xung quanh quá trình đổi thay trên mảnh đất chiến trường xưa.

* Phóng viên: Kế thừa truyền thống anh hùng, đến nay Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã gặt hái được những thành tựu gì nổi bật, thưa đồng chí?

* Đồng chí MÙA A SƠN: Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đi lên từ hai bàn tay trắng với điểm xuất phát rất thấp, vì lúc đó nơi đây chỉ là một bãi chiến trường ngổn ngang. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, nền kinh tế còn thô sơ lạc hậu, nông dân chỉ trồng lúa độc canh một vụ, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tình trạng thất học mù chữ, nghèo đói, lạc hậu, mê tín dị đoan còn nhiều…

Để khắc phục tình trạng này, sau ngày giải phóng thủ đô (1954), hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhiều đơn vị bộ đội đã tình nguyện quay trở lại Điện Biên để bài trừ thổ phỉ, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới và chung sức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển các nông trường, xí nghiệp để đưa kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên từng bước khôi phục và phát triển. Đến nay, tỉnh đã có hệ thống điện, đường, trường, trạm khá đều khắp, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Về kinh tế, tỉnh Điện Biên đạt được nhiều thành tựu: từ trồng lúa một vụ nay đã trồng hai vụ đạt 16 tấn lúa/năm, bình quân đạt 400kg/người/năm, đảm bảo cung cấp nguồn lương thực tại chỗ, hơn thế còn xuất khẩu gạo đặc sản Điện Biên ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. GDP bình quân đều tăng, riêng năm 2013 tăng 8,55%. GDP bình quân ước đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển khoảng 4.500 tỷ đồng.

Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; gần 73% dân cư nông thôn có nước sạch; gần 90% dân cư thành thị có nước sạch hợp vệ sinh. Tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 250.000 tấn; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai ở 98/98 xã; mức thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Cách đây 10 năm, nguồn thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 80 tỷ đồng/năm thì nay đã tăng lên 511 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2013, thu ngân sách đạt 513 tỷ đồng, tỉnh đang phấn đấu năm 2014 đạt khoảng 550 tỷ đồng. Đến nay các xã, bản đều đã có trường học, trạm y tế, từng bước xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục và đẩy lùi các loại dịch bệnh…

Đường lên Điện Biên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: LÃ ANH

Đường lên Điện Biên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: LÃ ANH

* Điện Biên là tỉnh biên giới vùng cao, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tỉnh sẽ làm gì để ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng?

* Là tỉnh biên giới vùng cao nên dân cư bố trí rải rác, các phần tử xấu trà trộn vào dòng người nhập cư đến kích động người dân. Nắm rõ thực tế này, Đảng bộ, chính quyền các cấp tuyên truyền vận động dân không nghe theo kẻ xấu, đồng thời tích cực chăm lo đời sống người dân. Dù phải trải qua nhiều khó khăn thách thức nhưng đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên vẫn đoàn kết một lòng và tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, chung sức xây dựng quê hương. Tỉnh đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp và kêu gọi đầu tư, thu hút người dân tham gia trồng rừng và khai thác tài nguyên rừng.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được diện tích cây cao su đáng kể, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng thêm nguồn thu nhập từ cây cao su. Tỉnh Điện Biên là mảnh đất lịch sử anh hùng và có nhiều danh lam thắng cảnh cũng như có nền văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Thời gian qua, tỉnh đã được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử Điện Biên Phủ, ngày càng thu hút khách thập phương.

* Trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh có những hoạt động thiết thực gì?

* Từ đầu năm nay tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó tập trung vào các hoạt động văn hóa, thu hút du lịch và tập trung thực hiện các công trình văn hóa như: tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng công trình Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng; nâng cấp quần thể di tích chiến trường gồm Đồi A1, Đồi Độc Lập, Trung tâm đề kháng Him Lam, Trận địa pháo H6… Tôi tin lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra đúng với tầm vóc lịch sử và đây còn là dịp để mỗi chúng ta hun đúc tinh thần, thổi ngọn lửa anh hùng ca bất diệt trong tâm hồn thế hệ trẻ hôm nay.

MINH NGỌC (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục