Ngọn lửa không bao giờ tắt

“Tôi vinh dự được hoạt động cách mạng cùng anh tại chiến trường Nam bộ từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp cho đến thống nhất đất nước. Cảm nghĩ về anh - một bậc đàn anh đi trước, tôi không sao nói hết tấm lòng khâm phục…”, là tâm sự của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng về Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Thượng tướng Trần Văn Trà (20-4-1996 - 20-4-2011), Trung tướng Nguyễn Thới Bưng đã kể lại những kỷ niệm với người đồng chí của mình.
Ngọn lửa không bao giờ tắt

“Tôi vinh dự được hoạt động cách mạng cùng anh tại chiến trường Nam bộ từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp cho đến thống nhất đất nước. Cảm nghĩ về anh - một bậc đàn anh đi trước, tôi không sao nói hết tấm lòng khâm phục…”, là tâm sự của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng về Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Thượng tướng Trần Văn Trà (20-4-1996 - 20-4-2011), Trung tướng Nguyễn Thới Bưng đã kể lại những kỷ niệm với người đồng chí của mình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) và Thượng tướng Trần Văn Trà.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) và Thượng tướng Trần Văn Trà.

1. Anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi nhưng lại có hơn 30 năm sống, chiến đấu và trưởng thành trên mảnh đất Nam bộ. Anh trẻ tuổi, tài cao, kể cả khi bị địch bắt và tù đày tới hai lần, anh vẫn một lòng kiên trung, bất khuất với Đảng và cách mạng. Anh Trà là người có công đầu trong việc xây dựng lực lượng vũ trang ở Nam bộ. Anh cùng đồng chí Tô Ký xây dựng lực lượng vũ trang Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, tạo thành “vành đai đỏ” bao vây Sài Gòn. Sau này, lực lượng vũ trang liên khu miền Đông thuộc Quân khu 7 lớn mạnh đã lan nhanh xuống Quân khu 8. Có thể nói, Nam bộ rất đỗi tự hào vì đã có một vị tướng tài như anh Trà.

Tôi còn nhớ, năm 1964, anh Trà được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử về miền Nam công tác, lúc đó anh là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Trong khoảng thời gian này có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực ở Nam bộ hay không? Anh Trà khẳng định: “Đã đến lúc phải xây dựng cho được bộ đội chủ lực tại Nam bộ để tạo quả đấm thép về quân sự tại chiến trường miền Nam chứ không chỉ dừng lại ở đấu tranh chính trị…”.

Anh Trà còn chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi nhận vũ khí từ miền Bắc đưa vào theo đoàn tàu không số và mở chiến dịch Bình Giã, rồi các chiến dịch tiếp theo như: Ba Gia, Đồng Xoài, Dầu Tiếng… nhằm mở rộng địa bàn đánh địch. Cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, địch đưa hơn 300.000 quân vào miền Nam mở chiến tranh cục bộ hòng bẻ gãy xương sống lực lượng vũ trang của ta. Đáp trả địch, anh Trà đã thành lập lần lượt các Sư đoàn 9, 5, 7… để đánh địch.

2. Năm 1968, Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở chiến dịch Mậu Thân. Lúc này anh Trà là Tư lệnh tiền phương, tôi là cán bộ sư đoàn nên được anh trực tiếp chỉ đạo đánh như thế nào để thắng địch. Được chiến đấu bên cạnh anh, tôi thấy anh là một chỉ huy kiên quyết chiến đấu đến cùng. Tôi còn nhớ kỷ niệm trước trận đánh, anh đứng bên cạnh tôi dặn dò: “Có thể trận này chúng ta sẽ không trở về nhưng nhất quyết phải thắng lợi…”.

Sau chiến dịch Mậu Thân, địch trả đũa dữ dội, chúng bao vây Sư đoàn 9 khiến quân ta phải dời ra vùng biên giới để dựa thế vào Campuchia đánh địch. Khi chính quyền Lonnon bị lật đổ, Quân giải phóng miền Nam đã tham gia các trận đánh Chen-la 1, rồi Chen-la 2… tiêu diệt 14.000 quân địch, thu 7.000 khẩu súng, giải phóng một vùng rộng lớn từ tỉnh Xoài Riêng đến Côngpôngchàm, Parathon, Karache… Anh Trà đã có vai trò to lớn trong những trận đánh này. 

Khi phái đoàn quân sự bốn bên nhận nhiệm vụ đón đoàn tại trại David, anh phải ra vào chiến khu nhiều lần, tình hình căng thẳng nhưng vẫn kiên quyết giữ lập trường. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong khoảng 2 tháng, ta nhanh chóng giải phóng toàn bộ chiến trường Liên khu 5. Tôi nhớ mãi trận đánh vào mặt trận Long Khánh - nơi quân ta đã tiến sát vào cửa ngõ Sài Gòn. Tại đây, địch chống cự quyết liệt. Anh Trà đích thân chỉ huy mở trận đánh vào Dầu Giây - Trảng Bom bọc sau lưng địch khiến chúng phải thua chạy, ta nhanh chóng giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu và tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.

Làm sao nói cho hết những cống hiến của anh Trà đối với dân, với nước, tôi chỉ nói lên những điều mà tôi tâm đắc nhất về anh dù chưa đầy đủ. Nhân ngày giỗ của anh, tôi xin thắp một nén tâm hương đến anh - một ngọn lửa cách mạng không bao giờ tắt…

Minh Ngọc
(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)


Người cha tuyệt vời

Từ nhỏ, tôi ít được sống gần cha vì cha đi chiến trường biền biệt, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Mãi cho tới sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi mới được đoàn tụ. Khi ấy, tôi mới 8 tuổi nên chưa ý thức sâu sắc được tầm vóc lớn lao của cha mình, chỉ biết cha là một người cha hiền lành, giản dị, mẫu mực. Càng lớn tôi càng khâm phục khí phách của cha và rất đỗi tự hào về người cha tuyệt vời.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về cha là trong những bữa cơm gia đình, cha thường nhắc đến sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ, những bà mẹ nuôi giấu cán bộ cách mạng và những người dân tiếp tế lương thực cho bộ đội nuôi quân đánh Mỹ… Cha thường kết thúc câu chuyện bằng câu nói: “Nhờ có dân thương yêu che chở nên bộ đội mới đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Các con đừng bao giờ quên tình nghĩa đó…”. Và lời dặn của cha đã ăn sâu vào máu thịt của chúng tôi. Ngay cả trước khi cha mất khoảng 3 tháng, với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM, cha vẫn đau đáu lo lắng cho những gia đình thương binh liệt sĩ. Bút tích cuối cùng của cha là lá đơn gửi Sở LĐ-TB-XH TPHCM đề nghị giải quyết nhà tình nghĩa cho hai gia đình chính sách ở Củ Chi.

Nguyễn Việt Chi
(Con trai cố Thượng tướng Trần Văn Trà)

Tin cùng chuyên mục