Rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang hướng về thủ đô Tehran của Iran, nơi Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cùng 2 người đồng cấp của Iraq và Venezuela, trong ngày 17-2 (giờ địa phương), thảo luận về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô, nhằm bình ổn giá dầu.
Trước cuộc họp tại Tehran 1 ngày, Nga, Qatar và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận nhằm “đóng băng” hoạt động khai thác dầu mỏ để giải quyết tình trạng dư thừa trên toàn cầu. Theo đó, 2 quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là Nga và Saudi Arabia (chiếm 21% sản lượng dầu thô cung cấp toàn cầu) đã thống nhất khai thác ở mức như tháng 1-2016, với Nga là 10,88 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia là 10,23 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Eulogio Del Pino hân hoan cho rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được một thỏa thuận lịch sử đối với Venezuela và những quốc gia ủng hộ việc bình ổn thị trường dầu mỏ”. Việc đạt được thỏa thuận trên được đánh giá là thành công lớn của Venezuela sau một thời gian dài nỗ lực thuyết phục các nước cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Venezuela là một trong 5 thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước này, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ. Giá dầu giảm đã trở thành một thách thức lớn đối với nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.
Bên cạnh nỗ lực của Venezuela, có một thực tế là Nga và Saudi Arabia cũng nhận thấy đã đến lúc phải hành động khi mà nền kinh tế của 2 quốc gia này phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu dầu thô đang gặp những khó khăn nhất định do giá dầu lao dốc. Nga đã từng phải tính đến chuyện cắt giảm 10% ngân sách, trong khi Saudi Arabia, quốc gia tưởng như có “túi tiền không đáy” cũng kêu gọi cắt giảm chi tiêu. Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada, người hiện giữ chức quyền Chủ tịch OPEC, nhận định bước đi này đồng nghĩa với việc ổn định thị trường dầu mỏ, đồng thời cho biết các bộ trưởng đã xem xét lại tình hình thị trường dầu mỏ, cũng như triển vọng cung - cầu của mặt hàng này.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal nhận định, nỗ lực bình ổn giá dầu của Nga và một số quốc gia thuộc OPEC còn phải chờ vào cuộc họp ở Tehran. Ngay trước thềm cuộc họp, một quan chức của Iran cho hay họ chưa sẵn sàng cho thỏa thuận trên và muốn quay lại mức khai thác trước thời điểm lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Tehran.
Giới quan sát nhận định, việc Iran không sẵn sàng cắt giảm sản lượng là hoàn toàn dễ hiểu, bởi Tehran sẽ không chịu cảnh các nước khác thì vẫn khai thác tối đa khả năng họ có trong khi Iran phải cắt giảm. Các nhà sản xuất nhỏ khác luôn muốn sản xuất nhiều hơn để bù đắp chi phí và trang trải thâm hụt doanh thu của mình. Vì vậy, nếu cuộc họp tại Tehran không có kết quả tốt, nỗ lực của Nga và Saudi Arabia có thể trở thành công cốc: nguồn cung sẽ tiếp tục dư thừa, giá dầu sẽ tiếp tục đà lao dốc. Một minh chứng cho thấy rõ điều này đó là việc trong phiên giao dịch sáng 17-2, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tại thị trường châu Á đã giảm 0,8% xuống dưới 29USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 4 cũng giảm 0,8%, ở mức 31,92USD/thùng. Một chỉ dấu rằng các nhà đầu tư đang ngóng chờ kết quả từ cuộc họp ở Tehran.
ĐỖ CAO