Không biết từ bao giờ, cây mía đã gắn liền với cuộc sống của người nông dân ở vùng đất Đông Gia Lai. Như một thiếu nữ đỏng đảnh, lúc dịu dàng, lúc trái tính, cây mía đem lại cho cuộc đời vị ngọt nhưng cũng nhiều vị “đắng”. Có những lúc nông dân trong vùng tưởng chừng như buông tay trước sự thất thường của nó. Đến hôm nay, cây mía bắt đầu khởi sắc như để thưởng công cho những người nông dân một nắng hai sương. Cây mía không chỉ đem lại một cuộc sống đủ đầy, no ấm, mà nhiều mối nhân duyên cũng được kết thành từ đó.
Tết vui
Gắn bó với cây mía từ năm 1977, khi đó anh Ngô Cự Dũng, ở xã Thành An (thị xã An Khê) là công nhân của Nông trường Sông Ba. Ngày đó, tuy cuộc sống vất vả nhưng những công nhân vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Trong những ngày cần mẫn chăm sóc từng đám mía, anh Dũng đã “lạc” vào đôi mắt đen của cô thiếu nữ tuổi đôi mươi Lê Thị Thành – công nhân mới về nông trường. Năm 1986, anh chị được lãnh đạo nông trường đứng ra làm chủ hôn.
Đầu những năm 1990, được sự động viên giúp đỡ của gia đình, vợ chồng anh đã khai hoang và mua được 5ha đất trồng mía. Không phụ lòng người, cây mía đã cho gia đình anh cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng, như một quy luật thăng trầm của cuộc sống, có những lúc mía trồng ra không bán được, vợ chồng anh chảy nước mắt nhìn cây mía chết khô ngoài ruộng. Anh bàn với chị phá bỏ cây mía để trồng các loại cây khác hiệu quả hơn. Nhưng rồi không đành lòng, vợ chồng anh quyết định “sống chết” cùng cây mía. “Những năm 1998, bà con rủ nhau phá bỏ cây mía, thấy vợ chồng mình vẫn tiếp tục đầu tư ai cũng bảo mình... hâm”, anh Dũng nhớ lại.
Nhờ “bám” theo cây mía, vợ chồng anh Dũng nay đã nuôi được ba người con học hành thành đạt và có cơ ngơi hàng tỷ đồng. “Năm nay, mía được mùa được giá, mỗi hecta cho lợi nhuận gần 60 triệu đồng. Với 5ha, sau khi trừ chi phí, gia đình mình thu về gần 300 triệu đồng. Tết này mình sẽ đổi chiếc xe máy mới cho vợ...”, anh Dũng hồ hởi khoe. Không chỉ gia đình anh Dũng, cuộc sống của nông dân trồng mía vùng Đông Gia Lai đã thay đổi rõ rệt. Danh sách những “tỷ phú mía” cứ dày lên từng ngày như gia đình ông Lê Văn Dũng, anh Phạm Thành Lam, xã Thành An (thị xã An Khê); ông Đoàn Thanh Phương, xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang); ông Nguyễn Văn Tiến, xã Hà Tam, bà Trần Thị Thu Hà, xã An Thành (huyện Đắk Pơ)..., với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hưởng vị “ngọt” từ cây mía còn có những công nhân Nhà máy đường An Khê với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Bao quanh khu vực nhà máy là những khu nhà công nhân thật khang trang và đầy đủ tiện nghi. Cùng với tiền lương, ban giám đốc nhà máy còn chăm lo đến đời sống tinh thần và các chế độ khác, đặc biệt là tiền thưởng tết cho công nhân. Chị Bùi Thị Hồng Vân (34 tuổi), công nhân Nhà máy đường An Khê cho biết: “Mình và ông xã đều làm công nhân nhà máy từ 10 năm nay. Mình quen anh khi cùng làm chung một dây chuyền sản xuất. Được ban giám đốc và anh chị em tác hợp, tụi mình đã kết hôn và có một cháu đang học mẫu giáo. Năm nào cũng vậy, cộng cả tiền lương và tiền thưởng tết, vợ chồng mình có được cái tết ấm cúng”.
Còn anh Nguyễn Tiến Phong, quê Quảng Ngãi, chia sẻ, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh dắt díu nhau lên thị xã An Khê sinh sống. Được nhận vào làm công nhân nhà máy năm 2001, từ mức lương trên 500.000 đồng/tháng, đến nay thu nhập của anh hơn 4 triệu đồng/tháng. Cùng với tiền lương của vợ cũng là công nhân nhà máy, vợ chồng anh đã dành dụm mua được căn nhà khang trang và sắm sửa đầy đủ tiện nghi.
Sống khỏe
* Từ diện tích mía gần 2.400ha lúc Nhà máy đường An Khê mới thành lập, đến nay diện tích mía ở vùng Đông Gia Lai đạt gần 24.000ha, sản lượng mía mua và ép trên 550.000 tấn, sản lượng đường ước đạt trên 55.000 tấn/niên vụ. Ông Nguyễn Tấn Cương, Giám đốc Nhà máy đường An Khê khẳng định, muốn người lao động gắn bó với nhà máy, trước tiên phải giúp họ ổn định cuộc sống. Và với nông dân, việc bao tiêu sản phẩm và ký kết đầu tư vùng nguyên liệu phải được lưu tâm và dành nhiều tâm huyết. |
Vùng đất Đông Gia Lai bao gồm các huyện Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mía. Thế nhưng hơn 10 năm trước, cây mía của nông dân vùng Đông Gia Lai chưa có nơi tiêu thụ, đời sống nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Phan Văn Đông, người dân phường Ngô Mây (thị xã An Khê) trầm tư nhớ lại: “Khoảng hơn 10 năm trước, thời điểm cây mía xuống giá trầm trọng, thu hoạch xong không bán được, để lâu ngoài ruộng, đường giảm phải bán với giá rẻ mạt. Tôi bán mà xót xa lắm”.
Năm 2000, Chính phủ quyết định giao cho Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi xây dựng Nhà máy đường An Khê (đứng chân tại xã Thành An, thị xã An Khê), với mục tiêu lâu dài tiêu thụ nguyên liệu mía của bà con nông dân, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng Đông Gia Lai.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Nhà máy đường An Khê đã ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu mía, hỗ trợ tối đa cho người trồng mía cả về kỹ thuật, đầu tư tiền giống, lên liếp trồng mía và hợp đồng thu mua nguyên liệu, bảo đảm thu mua hết mía nguyên liệu trong dân theo mức giá sàn đảm bảo người dân có lãi. Nếu thời điểm thu mua mía, giá thị trường tăng cao hơn giá đã hợp đồng, nhà máy sẽ mua theo giá thị trường. Với cam kết trên, người trồng mía ở vùng Đông Gia Lai đã quay trở lại và sống với nghề truyền thống.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng Đầu tư - Nguyên liệu (Nhà máy đường An Khê) cho biết: “Nhờ chính sách thu mua mía hợp lý nên bà con đăng ký trồng mới lại rất nhiều. Việc đạt được chỉ tiêu mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn rất khả quan”. Ông Phước bộc bạch, với giá mua mía nguyên liệu như hiện nay (xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn), nông dân sống khỏe với nghề trồng mía.
Mấy vụ rồi, nông dân vùng Đông Gia Lai đã “hả hê” với cây mía. Và Tết Tân Mão này các nông hộ chắc chắn không phải lo điệp khúc “được mùa mất giá” nữa.
Đức Trung