Ngừng bắn ở Syria, tiếp tục chống IS

Tuyên bố chung của Mỹ và Nga đưa ra ngày 22-2 kêu gọi ngừng bắn giữa Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập, bắt đầu từ ngày 26-2. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này không áp dụng với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm chiến binh Mặt trận Nusra - chi nhánh của al-Qaeda.
Ngừng bắn ở Syria, tiếp tục chống IS

Tuyên bố chung của Mỹ và Nga đưa ra ngày 22-2 kêu gọi ngừng bắn giữa Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập, bắt đầu từ ngày 26-2. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này không áp dụng với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm chiến binh Mặt trận Nusra - chi nhánh của al-Qaeda.

IS đánh bom đẫm máu tại thành phố Homs của Syria ngày 21-2 làm 46 người chết. Ảnh: EPA

Cộng đồng quốc tế hoan nghênh

Theo Sputnik, trong thông điệp đặc biệt chiều tối 22-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê duyệt lệnh ngừng bắn tại Syria. Quân đội Nga và Mỹ sẽ cùng nhau xác định những nhóm nào thuộc diện không phải là đối tượng tham gia ngừng bắn ở Syria. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: Đòn tấn công vào các tổ chức khủng bố sẽ được tiếp tục.

Theo AP, tuyên bố chung Nga - Mỹ cho biết lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào 0 giờ (giờ Syria, tức 22 giờ GMT) ngày 26-2. Tuyên bố chung cho biết lệnh ngừng bắn ngoài việc làm giảm nhẹ thương vong còn mở rộng việc phân phối hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho các khu vực bị bao vây và hỗ trợ quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Đây là cơ hội của hòa bình và chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ tận dụng điều đó”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi thỏa thuận này là “tín hiệu rất đáng kỳ vọng” và kêu gọi các bên tuân thủ. EU, Nhật Bản và nhiều nước khác hoan nghênh lệnh ngừng bắn tại Syria.

Theo Kyodo, phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Thông qua hỗ trợ nhân đạo, đất nước chúng tôi sẽ nỗ lực vì sự cải thiện và ổn định tình hình Syria. Nhật Bản sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho Syria nhằm thực thi đầy đủ trách nhiệm của họ trong cộng đồng quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan”.

Chính phủ Syria và các nhóm đối lập chính cho biết họ đồng ý thỏa thuận ngừng bắn. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết ông hoài nghi về sự thành công của lệnh ngừng bắn.

IS vẫn là cản ngại chính

Sự gia tăng các hoạt động khủng bố của IS tại nhiều nơi ở Syria và nước láng giềng Iraq đã gây khó khăn cho các giải pháp chính trị tại Syria. Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra chỉ một ngày sau khi IS nhận trách nhiệm về hai vụ tấn công chết người ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát, trong đó có vụ giết chết 134 người ở gần một ngôi đền tại phía Nam của thủ đô Damascus và ít nhất 64 người ở thành Homs. Vụ đánh bom đền thờ đánh dấu cuộc tấn công quân sự đẫm máu nhất của IS kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào tháng 3-2011.

Trước đó, vào ngày 22-2, chỉ huy quân sự hàng đầu từ 30 quốc gia chiến đấu chống IS đã nhóm họp tại Kuwait để thảo luận về những cách thức loại bỏ nhóm khủng bố này. Tham mưu trưởng nước chủ nhà Kuwait, tướng Mohammad al-Khader, kêu gọi gia tăng nỗ lực đánh bại những kẻ cực đoan theo IS trên toàn thế giới. Reuters dẫn lời ông al-Khader nói: “Các nhà lãnh đạo quân sự nên gia tăng nỗ lực gấp đôi và khẩn trương xây dựng kế hoạch phù hợp để loại bỏ tất cả các nhóm khủng bố đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới’.

Cuộc họp diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi bộ trưởng quốc phòng của 66 quốc gia do Mỹ dẫn đầu chống IS đạt cam kết tại Brussels nhằm thúc đẩy chiến dịch chống lại nhóm này. Cho đến nay, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hơn 10.000 cuộc không kích nhằm vào IS nhưng nhóm này vẫn giữ quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria cũng như mở rộng sự hiện diện của mình tại Libya.

Cuộc chiến chống IS cho đến nay được xem là khá thành công tại Iraq, nơi các lực lượng an ninh địa phương đã chiếm lại thành phố Ramadi và giành lại quyền kiểm soát khoảng 40% lãnh thổ trước đây bị IS chiếm.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục