Ngay sau khi hay tin Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có quyết định tạm ngừng việc sử dụng vaccine Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng, qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm và lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến việc tiêm chủng phòng ngừa bệnh cho trẻ em. Chúng tôi đã gặp Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYT DP) TPHCM, tìm câu trả lời cho vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa ông, vì sao Quinvaxem bị ngừng sử dụng?
>> TS-BS TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU: Vaccine Quinvaxem bị ngừng sử dụng do xảy ra phản ứng sau tiêm ở nhiều địa phương, trong thời gian nhiều tháng liên tục.
- Tại TPHCM đã ghi nhận trường hợp tai biến nào đến vaccine Quinvaxem chưa?
Trong 2 năm rưỡi sử dụng Quinvaxem, nước ta đã nhập về khoảng 13 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều. Riêng TPHCM, mỗi tháng tiêm cho khoảng 40.000 trẻ, tức gần 500.000 trẻ/năm. Chương trình tiêm chủng quốc gia ở TPHCM thời gian qua được thực hiện khá tốt, góp phần đẩy lùi, ngăn ngừa trẻ mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, vào cuối năm 2012 có 1 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem tại quận Thủ Đức. Với trường hợp này, theo các hội đồng khoa học đánh giá, chưa có đủ cơ sở kết luận nguyên nhân tử vong sau tiêm, vì trên cơ địa bệnh nhân có hội chứng down. Dù vậy, do vấn đề tiêm chủng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, nên sau khi ghi nhận nhiều ca có phản ứng sau tiêm, Bộ Y tế chỉ đạo dừng tiêm vaccine Quinvaxem. Đây là việc làm đúng đắn, trước hết để đem lại sự an toàn cho cộng đồng.
- Hiện có nhiều phụ huynh lo lắng việc ngừng vaccine Quinvaxem sẽ ảnh hưởng đến việc phòng ngừa bệnh cho trẻ, bởi để đảm bảo chủng ngừa hiệu quả phải tiêm đủ số lượng, số lần theo đúng thời điểm tiêm chủng, nhưng con em họ mới chích được một liều và cần tiêm nhắc lại.
Quinvaxem là vaccine 5 trong 1, gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não do phế cầu (Hemophilus influenzae B - viêm gan siêu vi B). Gây phản ứng sau tiêm chính là do thành phần ho gà không tinh chế (thành phần toàn tế bào). Trước đây người ta sử dụng vaccine DPT (bạch hầu, uốn ván, ho gà) riêng, vaccine ngừa phế cầu riêng (Hib), vaccine ngừa bệnh viêm gan siêu vi B riêng. Như vậy bây giờ nếu ngưng Quinvaxem, phụ huynh có thể trở lại chích riêng từng loại như trên, hoặc nếu có điều kiện thì sử dụng vaccine 5 trong 1 có chứa thành phần ho gà vô bào, nhưng giá khá cao, khoảng 500.000 đồng/liều.
- Trong trường hợp trẻ không tiêm nhắc lại, có nguy cơ gì không? Phụ huynh muốn đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine thay thế thì tiêm ở đâu, thưa ông?
Nếu trẻ không tiêm nhắc lại đủ liều, đương nhiên trẻ sẽ không được bảo vệ trước 5 bệnh lý trên (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não do phế cầu. Hiện nay có nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ như Viện Pasteur TPHCM, TTYTDP TP, TTYTDP các quận - huyện, các bệnh viện và phòng khám tư nhân…
- TPHCM đã có dự phòng nguồn vaccine thay thế chưa? Hiện nay có những loại vaccine nào thay thế Quinvaxem?
Vì chương trình tiêm chủng mở rộng là do Bộ Y tế thực hiện, nên chắc chắn Bộ sẽ có hướng giải quyết. Trong khi chờ nguồn vaccine thay thế, các phụ huynh có điều kiện có thể cho trẻ chích ngừa dịch vụ bằng những loại vaccine thay thế.
- TTYTDP TPHCM có đề xuất gì với Sở Y tế, UBND TPHCM và Bộ Y tế giải pháp giải quyết vấn đề này?
Hiện TTYTDP TPHCM chưa nhận được văn bản cụ thể bằng đường chính thức. Tuy nhiên, trong thời gian tới Sở Y tế TPHCM, TTYTDP TPHCM và các ban - ngành sẽ sớm họp bàn tìm phương án cụ thể.
- Xin cảm ơn ông.
Tiến Đạt
- Khẩn cấp dừng sử dụng vaccine “5 trong 1” Quinvaxem inj
-Về vaccine “5 trong 1” Quinvaxem: Chờ kết luận của WHO mới tính tiếp