Người anh hùng của bản Nhạp

Người anh hùng của bản Nhạp

75 tuổi  nhưng ông vẫn cắp sách tới trường để làm tấm gương cho lớp trẻ đi học; 75 tuổi, ông vẫn ngày đêm bám rừng để chống lại bọn lâm tặc. Rồi giữa lúc cả bản đói nheo nhóc, ông lại mang cây ngô về, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Những câu chuyện tưởng chỉ có trong cổ tích ấy được người dân  bản Nhạp, xã Đồng Chum (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) thay nhau kể, đó là  ông  Xa Văn Thế, 78 tuổi.

75 tuổi vẫn cắp sách đến trường

Người anh hùng của bản Nhạp ảnh 1
Già làng Xa Văn Thế

Năm nay đã gần bước sang tuổi bát thập nhưng ông Xa Văn Thế vẫn còn sung sức. Hàng ngày, ông vẫn thường trèo đèo, lội suối hàng chục kilômét từ bản ra trụ sở UBND xã. Ông bảo: “Phải thường xuyên cập nhật thông tin, sách báo thì người dân mới chóng tiến bộ được”.

Có lẽ ít ai biết cách đây 5 năm, số người mù chữ trong bản chiếm đa số. Học sinh thường chỉ học hết cấp 1 rồi ở nhà làm lụng. “Biết bao nhiêu thanh niên trai tráng có thể tuyển vào bộ đội nhưng do học hành kém nên chẳng đứa nào được nhận vào. Việc đào tạo cán bộ nguồn cho chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Thế nhớ lại. Không thể để trình độ dân trí ngày một kém, ông đã quyết tâm thực hiện điều có một không hai: đi học cấp 2 ở cái tuổi 75 để làm gương cho dân bản noi theo.

Ai ngờ ông đi học thật. Ông là người cao tuổi nhất trong lớp và được chỉ định làm lớp trưởng. “Đầu tiên, bố (cách ông xưng hô thân mật) lên Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc và chính quyền xã thẳng thắn đề nghị nguyện vọng của mình. Thấy hợp lý, họ đã cho giáo viên, bố trí lớp học để dân bản được học cái chữ”. Lớp học có 64 người, đa phần học sinh là những người mới học hết cấp 1, có cả thiếu niên, thanh niên, trung niên và người già.

Ông bảo: “Tuy mình cao tuổi nhưng không vì thế mà học hành chểnh mảng, ngược lại phải làm gương để người khác noi theo”. Nhớ nhất là lúc làm bài kiểm tra, lúc ấy, ông lo lắm vì sợ sẽ không làm được bài. Thế mà bao nhiêu bài kiểm tra, bài thi ông cũng vượt qua.

“Mùa giáp hạt, dân bản đói lắm. Cái chữ không thể làm bụng no được. Vì thế lớp học từ 64 học sinh tụt xuống chỉ còn 5 người”, già Thế bộc bạch. Nhìn thấy cái dáng lom khom, gầy còm của già Thế, người dân bản Nhạp cũng thương lắm. Đã vài tháng, già quên cả việc nhà để đi “vác tù và”, mong người dân trở lại lớp học. Cuối cùng, người dân cũng dần trở lại lớp học.

Sau 2 năm, tất cả 64 học sinh đều đã tốt nghiệp. Đáng mừng hơn, trong số đó có người được cử làm cán bộ xã, được kết nạp Đảng, tuyển đi bộ đội và học tiếp ở những cấp cao hơn.  Hiệu quả rõ ràng nên giờ đây dân bản Nhạp hào hứng hẳn lên với cái chữ. Hiện nay, già Thế tiếp tục đề nghị các cấp chính quyền mở thêm một lớp học nữa.

Đấu tranh với lâm tặc

Xã Đồng Chum có hơn 900ha rừng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, đa phần thuộc địa phận của bản Nhạp.

Già Thế vẫn nhớ như in những ngày khu bảo tồn này “chảy máu”. Mỗi gốc cây đổ xuống, chim muông nháo nhác bay là lòng già nhói đau. Đó là vào năm 1992. Chính vì cái nghèo, cái đói đeo đẳng mà dân bản nghe theo lời xúi giục của bọn buôn gỗ sẵn sàng phá rừng. Bọn chúng cấp tiền, cấp gạo cho những ai giúp chúng chặt gỗ chuyển về xuôi. Những vạt rừng xanh thẳm cứ mất dần để lại những ngọn núi trơ trọc. Các cấp chính quyền đã vào cuộc nhưng chẳng khác gì “đá ném ao bèo”.
 
Giữa năm 1994, bản Nhạp như một lâm trường lớn khai thác gỗ lậu. Trong lúc người dân đua nhau theo chân lâm tặc đi phá rừng thì già Thế lại nhận bảo vệ gần 100ha rừng. Cả bản đều bàng hoàng vì hành động đó. Ngày cũng như đêm ông cùng với những đứa con của mình thay nhau gác rừng.

“Nhưng việc tuyên truyền suông và giữ rừng một cách bị động không phải là kế sách lâu dài để dập được nạn chảy máu rừng. Việc cấp bách là phải tìm cho dân một lối thoát”, ông nói. Thế là ông lang thang khắp nơi để tìm nghề mới cho dân bản.

Trong một lần xuống miền đồng bằng tham quan, ông bị hút hồn vào những cánh đồng ngô bạt ngàn, tươi tốt. Hỏi người dân mới biết đó là loại ngô lai nhập năng suất rất cao. Sau lần đó, ông mua 3kg hạt giống về gieo trồng tại bản Nhạp. “Không ngờ cây ngô … lại hợp với đất bản Nhạp đến vậy. Vụ đầu tiên tôi đã thu hoạch được 1, 8 tấn”, ông khoe. Nhưng ngạc nhiên hơn cả khi sau vụ ngô đầu tiên thu hoạch, người dân biết tin đã đến tận nhà để hỏi cách gieo hạt.  Vậy là cây ngô đã được gieo trồng đại trà toàn bản.

Từ mùa ngô thứ hai, thứ ba… và đến bây giờ, người dân bản Nhạp đều được mùa. Năm 1999, cả bản Nhạp thu hoạch được 80 tấn, đến nay con số đó đã là 1.000 tấn. Không còn lo đói nữa, người dân cũng dần từ bỏ việc phá rừng. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Xa Thanh Xóm, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Chum, thừa nhận: “Nếu không có già làng Xa Văn Thế nỗ lực giữ rừng thì rừng ở bản Nhạp có nguy cơ mất trắng. Bằng uy tín của mình, già Thế đã không ngừng tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng cho người dân. Chính vì thế màu xanh của rừng cứ lan rộng thêm”. Dù bây giờ người dân không còn phá rừng nữa nhưng ông vẫn ngày đêm bám rừng, đấu tranh với bọn lâm tặc. 

Hoàng Diệp

Tin cùng chuyên mục