Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Hồ Vai, người dân tộc Pa Kô, huyện A Lưới (ThừaThiên - Huế), người vinh dự bốn lần được gặp Bác Hồ và là người đầu tiên của dân tộc Pa Kô mang họ Hồ. Hiện tuổi đã cao, nhưng ông vẫn bền bỉ làm việc, là tấm gương để con cháu noi theo.
Vang danh thời chiến
Chúng tôi gặp lại anh hùng Hồ Vai ở thị trấn A Lưới. Thật ngạc nhiên và vui mừng khi thấy ông vẫn mạnh khỏe, thân hình rắn rỏi. Bên tách trà nóng, ông tâm sự về cuộc đời của mình. Sinh ra và lớn lên tại thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc (huyện A Lưới, Thừa Thiên -Huế) - mảnh đất ác liệt trong chiến tranh, nơi túi bom của quân thù, vùng trắng bởi chất độc da cam... Những năm 1961 - 1962, giặc Mỹ ném bom ác liệt trên dãy Trường Sơn.
Lên 10 tuổi, A Vai đã làm liên lạc, 15 tuổi làm đội trưởng đội du kích và đến 19 tuổi trở thành chỉ huy bộ đội địa phương và dân quân du kích tại A Lưới, chiến đấu trực tiếp với quân chủ lực địch. Năm 1964, lúc ấy A Vai 25 tuổi, đã vinh dự được đi dự Đại hội Chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam, tổ chức tại Tây Ninh. Trong số 32 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đợt ấy, có 2 du kích người dân tộc (A Vai, dân tộc Pa Kô tỉnh Thừa Thiên - Huế và Pi Năng Tak, dân tộc Raglai ở Ninh Thuận).
Năm 1965, chàng trai 26 tuổi A Vai vinh dự cùng đoàn anh hùng miền Nam ra thăm Bác. Là người dân tộc thiểu số duy nhất trong đoàn, A Vai được Bác Hồ quan tâm, nói chuyện nhiều nhất. Anh hùng Hồ Vai tâm sự với chúng tôi: “Bố được nắm tay Bác, ôm Bác bằng xương, bằng thịt. Lúc đó, bố xúc động rơi cả nước mắt, vì lâu nay chỉ nghe tên Bác chứ có được gặp bao giờ”.
Cũng từ lần đầu tiên đó, Bác chính thức đặt cho chàng du kích người dân tộc Pa Kô mang họ Hồ. Hai năm sau, ông lại được ra Hà Nội gặp Bác. Trước lúc trở về địa phương, Bác gọi riêng, căn dặn: “Cháu là cán bộ chỉ huy, khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân phải nhớ điều trái dù nhỏ nhất cùng phải tránh, điều phải dù khó khăn mấy cũng phải làm bằng được”. Hồ Vai tâm sự: Những lần sau gặp Bác, Bác thường hỏi tôi và quan tâm nhiều nhất là vấn đề dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế.
Năm 1968 khi chuẩn bị chiến dịch Tết Mậu Thân, Hồ Vai trở lại miền Nam chiến đấu. Đến năm 1969, khi Bác mất, để nhớ ơn Bác, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng loạt mang họ của Bác. Rồi từ đó họ Hồ đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, cho đến ngày nay, người Pa Kô, Tà Ôi, Cà Tu, Pa Hy... ở Thừa Thiên – Huế, phần lớn mang họ Hồ và ai cũng tự hào vì điều đó.
Nổi tiếng thời bình
Năm nay đã 73 tuổi, hơn nửa cuộc đời, anh hùng Hồ Vai góp sức suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Sau giải phóng, ông được tín nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới, góp phần không nhỏ trong công cuộc chống đói nghèo, vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu ở A Lưới...
Năm 2001, Hồ Vai về hưu và nhận chức Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi huyện A Lưới. Hàng ngày, ông tất tả ngược xuôi cùng mọi người chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cho hàng trăm trẻ mồ côi. Đặc biệt năm 2005, anh hùng Hồ Vai cùng cháu là nữ anh hùng Kan Lịch, hết ra Hà Nội rồi vào TPHCM kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp được gần 3 tỷ đồng để tỉnh Thừa Thiên - Huế xóa gần 500 căn nhà tranh tre, nứa lá cho dân nghèo.
Hiện gia đình ông sống đầm ấm tại cụm 4, thị trấn A Lưới, hai con trai của ông đã có công ăn việc làm ổn định. Hàng ngày ông vẫn đều dặn lên nương rẫy.
Hồ Vai, tâm sự: “Cuộc sống của người dân A Lưới hôm nay so với trước đã thay đổi nhiều. Trước đây, đồng bào dân tộc A Lưới sống du canh du cư, đói nghèo triền miên. Sau giải phóng lại bị ảnh hưởng nặng nề của bom đạn chiến tranh, chất độc da cam nên bệnh tật, đói rét triền miên. Người dân lúc bấy giờ sống rải rác ở các bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn, cuộc sống tự cung tự cấp nên thiếu đủ điều. Nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước, đặc biệt là giúp đỡ cây giống, định canh định cư... nên cuộc sống của người dân khá lên. Cùng với đời sống kinh tế, đời sống tinh thần của người dân cũng đổi mới. Người dân đã ý thức tự chăm lo đời sống cho mình, ai cũng vận động con cái đến trường học cái chữ, chứ không còn bắt con bỏ học lên nương, lên rẫy như trước”.
Theo Hồ Vai, mảnh đất A Lưới có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm lớn của Đảng và nhà nước cùng nỗ lực của người dân. Riêng Hồ Vai, mặc dù đồng lương hưu cũng đủ sống, nhưng hàng ngày ông vẫn lên nương, lên rẫy. Ông trồng 6ha rừng keo kinh tế (keo lá tràm), mỗi đợt thu hoạch kiếm hàng trăm triệu đồng.
Theo chân ông, ở đây có rất nhiều hộ dân trồng rừng kinh tế, không những phủ xanh đất trống đồi núi trọc đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình phất lên làm giàu. Lớp con cháu sau này cũng biết noi theo hăng say lao động. Bà con đồng bào đã ý thức tự lập hơn, tự chăn nuôi sản xuất phát triển kinh tế gia đình, chứ không trông chờ ỷ lại như trước.
PHAN LÊ