Người Ba Na giữ rừng

Tỉnh Gia Lai là nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Nhiều năm qua, những “lá phổi xanh” này đã dần cạn kiệt. Trái với hình ảnh những khoảng rừng bị xâm hại nham nhở, ở một số xã miền núi của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), nhiều mảnh rừng đã được người dân gìn giữ một cách nguyên vẹn như chính trái tim của mình.
Người Ba Na giữ rừng

Tỉnh Gia Lai là nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Nhiều năm qua, những “lá phổi xanh” này đã dần cạn kiệt. Trái với hình ảnh những khoảng rừng bị xâm hại nham nhở, ở một số xã miền núi của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), nhiều mảnh rừng đã được người dân gìn giữ một cách nguyên vẹn như chính trái tim của mình.

Nhờ phối hợp tốt giữa chủ rừng và người dân tại chỗ trong việc quản lý và bảo vệ rừng, những cánh rừng ở huyện Kbang (Gia Lai) luôn xanh tươi.

Nhờ phối hợp tốt giữa chủ rừng và người dân tại chỗ trong việc quản lý và bảo vệ rừng, những cánh rừng ở huyện Kbang (Gia Lai) luôn xanh tươi.

Chung tay giữ rừng

Trời mới tờ mờ sáng, già Đinh Blan (dân tộc Ba Na) ở làng Groi thuộc thị trấn Kbang, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và con cháu của mình đã lục đục mang dao, cuốc chuẩn bị vào rừng. Mặc dù đã hẹn trước nhưng già Đinh Blan chỉ dành cho chúng tôi hơn chục phút nói chuyện ngắn ngủi, để bắt đầu cho một ngày làm việc mới.

Khu rừng tự nhiên nơi già Đinh Blan đến nằm cách làng gần 20 phút đi xe máy. Tại đây, từng tốp người đang mải miết dọn cỏ, phát quang để phòng chống cháy rừng và tạo môi trường thoáng đãng cho cây rừng sinh trưởng, phát triển. Xa hơn là những tốp lao động của làng đang tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn sự nhòm ngó của “lâm tặc”. Đây chính là công việc hàng ngày của gia đình già Đinh Blan và hàng chục hộ đồng bào dân tộc Ba Na khác ở làng Groi.

Năm nay đã xấp xỉ 70 mùa rẫy nhưng già Blan vẫn còn tráng kiện, ông bảo: “Nhờ rừng cả đấy!”. Cũng phải thôi, khi mỗi ngày ông đều được hưởng thứ không khí mát lành dưới những tán rừng, được lao động và cuộc sống đầy đủ cũng nhờ rừng. Thấy cha nhiều tuổi, đám con cháu khuyên nghỉ ngơi nhưng ông không chịu, vì “buồn cái tay, không yên cái bụng”, nếu một ngày không được làm việc, không được nhìn thấy những khu rừng được buôn làng ông giữ gìn. Chỉ tay vào cây xoay, cỡ chừng hơn trăm tuổi, đường kính hơn 1m và cao hơn 20m nhưng đã bị cưa đứt gần 1/4 thân cây, già Đinh Blan kể: “Do “lâm tặc” chặt đó. Hôm đó, dân làng đang tuần tra thì phát hiện cây xoay quý này bị một nhóm người đang dùng cưa đốn hạ. Nghe tiếng hô hoán của bà con mình, “lâm tặc” bỏ chạy, bỏ lại cây xoay đã bị cưa nham nhở”.

Dạo một vòng quanh khu rừng rộng, chúng tôi nhìn thấy có nhiều loại cây lớn với tuổi đời vài chục trở lên mang trên mình những vết thương do “lâm tặc” để lại. Nếu không nhờ sự phát hiện kịp thời của dân làng, có lẽ những thân cây này đã bị kẻ xấu “hóa kiếp”. Ở làng Groi, mỗi người dân đều là “tai mắt” trong việc phát hiện và bảo vệ rừng. Mặc cho sự nhòm ngó của “lâm tặc”, những cánh rừng trong tầm quản lý của bà con được gìn giữ nguyên vẹn. Ngược lại, dựa vào rừng, người dân cũng có cuộc sống ổn định hơn, đầy đủ hơn nhờ “lộc rừng” và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Anh Đinh Pơn bộc bạch: “Trong rừng có nhiều sản vật quý như: trái xoay, song mây… Vào mùa khai thác, bà con mình cũng kiếm được một khoản kha khá để trang trải cuộc sống. Vì vậy, mình phải giữ rừng để giữ nồi cơm cho gia đình mình nữa chứ”.

Buôn làng đổi thay

Nằm ven thị trấn Kbang, làng Groi khá sung túc với những ngôi nhà tươm tất, sạch sẽ. Con đường vào làng đã được bê tông kiên cố, hầu như hộ nào cũng có xe máy, tivi, trâu bò, gà heo... Được định canh định cư từ rất lâu, làng Groi có hơn 60 hộ với gần 400 khẩu đều là đồng bào Ba Na. Kinh tế chủ yếu gắn với nghề rừng, cộng với việc trồng trọt và chăn nuôi nên cuộc sống của bà con cơ bản ổn định. Tuy nhiên, khi công trình thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, ngăn đập, nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất, vì vậy họ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cộng đồng làng đã được Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nak giao quản lý và bảo vệ 650ha rừng tự nhiên và được hưởng tiền công chăm sóc (200.000 đồng/ha/năm). Ngoài ra, bà con còn được quyền chủ động khai thác và sử dụng các loại lâm sản tận thu được dưới tán rừng như quả xoay, song mây... Nhờ vậy, cuộc sống của làng Groi đã thay đổi hẳn, hộ khá tăng dần lên và hầu như không còn hộ nghèo.

Để việc bảo vệ rừng đạt hiệu quả, toàn bộ diện tích rừng đều được quản lý dưới sự điều hành của Hội đồng già làng. Căn cứ thực tế về số lao động và khả năng của từng hộ trong làng, Hội đồng già làng sẽ giao mức khoán hợp lý, bình quân mỗi hộ nhận khoán 10ha rừng. Mức thu nhập từ việc giao khoán rừng cũng do Hội đồng già làng quyết định, phân phối theo bình xét công khai đối với từng hộ, các loại lâm sản phụ ai thu hoạch được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, riêng sản phẩm cây mây thì làng giữ lại để làm của chung cho làng như dùng để gia cố lại nhà ở, đan lát gùi...

Làng chia thành 13 nhóm lao động và mỗi nhóm có từ 3 đến 7 người. Vào thời vụ chăm sóc, vệ sinh rừng thì huy động tất cả lao động ở các nhóm cùng tham gia, còn trái vụ thì ngày nào cũng phân công từ 1 đến 2 nhóm vào rừng tuần tra, canh gác. Khi phát hiện có “lâm tặc”, các thành viên trong nhóm liên hệ với nhau bằng điện thoại di động, tập trung lại để ngăn chặn hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng. Anh Đinh Nhun, tổ viên của nhóm quản lý bảo vệ rừng số 10, cho biết: “Dân làng mình rất nhiệt tình và tự giác trong việc giữ rừng. Bởi rừng đã mang lại nguồn thu giúp bà con cải thiện kinh tế. Không cần ai nhắc nhở, tất cả thành viên trong các nhóm đều có ý thức cao trong công việc. Hễ được phân công nhiệm vụ, không kể trời mưa hay nắng, ngày hay đêm…, anh em đều sẵn sàng lên đường và làm tốt các phần việc được giao. Nếu hộ nào để mất gỗ sẽ bị Hội đồng già làng phạt, bằng cách chủ động cắt hợp đồng và giao rừng cho hộ khác quản lý…”.

Không chỉ riêng ở làng Groi, mà tất cả 11 làng thuộc thị trấn Kbang, các xã Đông, Nghĩa An và Đăk Sơ Mar, nằm trong vùng rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nak quản lý, đều thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nak, cho biết: “Từ khi thực hiện cơ chế khoán bảo vệ rừng, người dân địa phương rất phấn khởi, có trách nhiệm và ý thức hơn trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Bởi họ được hưởng các chế độ và hưởng lợi nhiều từ rừng, đời sống ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng của công ty với các hộ nhận khoán được duy trì thường xuyên, nhiều vụ vi phạm lâm luật kịp thời được ngăn chặn. Nhờ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn và chủ rừng cũng gặp nhiều thuận hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng”.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục