Trong đoàn người vượt Trường Sơn vào miền Nam tham gia chiến đấu những năm tháng ác liệt ngày ấy, không ai quên được hình ảnh của ông - một bác sĩ tài năng và đáng kính. Cũng chiếc ba lô trên vai như bao đồng chí, ông bền bỉ vượt từng vách đá, mỏm núi, kiên trì, lặng lẽ, dù khi mưa rừng xối xả hay ngày nắng gắt mồ hôi tầm tã trên vai. Thà là một chiến sĩ đã đành, ông lại là một bác sĩ vốn chỉ quen tay dao tay kéo, nay cầm thêm tay súng vượt Trường Sơn. Đặc biệt hơn, ông lại mới giã từ một vùng ánh sáng hoa lệ bậc nhất thế giới là thủ đô Paris nước Pháp, đang có vợ con đề huề bên đó, rồi theo lời Tổ quốc mà gạt đi mọi vinh hoa phú quý, mang cả vợ con về Việt Nam, và khi về Hà Nội chưa ấm chỗ, người con của Cần Thơ này lại theo tiếng gọi của quê hương tình nguyện trở về miền Nam tham gia chiến đấu, cũng ba lô trên vai vượt đỉnh Trường Sơn như bao người chiến sĩ…
Ông là bác sĩ Mai Văn Thông, sinh năm 1928, từng đi du học ở Pháp từ những năm còn rất trẻ. Ở đây, ông gặp một nữ sinh viên cũng học y khoa là bà Nguyễn Kim Tòng, và sau này khi tốt nghiệp, ông bà đã kết hôn để rồi sinh ra 2 người con, trong đó người con đầu lòng là Mai Kiều Liên (sinh tại Paris). Cuộc sống như vậy cũng là rất yên ổn, nhất là hai ông bà đều có bằng bác sĩ và được trọng dụng. Nhưng rồi theo tiếng gọi trực tiếp của Bác Hồ, hai ông bà đã nhất quyết trở về Tổ quốc tham gia xây dựng đất nước, và tình yêu đất nước chói lòa đã làm họ bế con trở về không một chút luyến tiếc.
Hà Nội không hoa lệ như Paris, nhưng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 ấy có vẻ đẹp và sự ấm cúng riêng của nó. Nhưng một lần nữa ông lại ra đi, khi cuộc chiến đấu ở miền Nam bước vào giai đoạn mới, cần nhiều hơn sức người sức của. Một người bác sĩ trẻ, mới hôm qua còn tắm mình trong ánh sáng chói lòa của Paris, hôm sau lại sống cùng những đêm núi rừng thăm thẳm, với muỗi vắt, bom đạn, với thiếu đói và cái chết kề bên thì sẽ thế nào? Không, không có một điều gì làm cản bước người bác sĩ mà ánh sáng lý tưởng rực sáng hơn mọi thứ ánh sáng trên đời…
Tại căn cứ R, bác sĩ Mai Văn Thông được tín nhiệm là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo của cuộc kháng chiến, nhiều năm là tổ trưởng tổ bảo vệ sức khỏe Trung ương Cục miền Nam. Ông đã làm rất tốt trách nhiệm cao cả của mình, luôn được các đồng chí lãnh đạo yên tâm tin tưởng, luôn được tổ chức tin cậy và anh em đồng chí đồng đội yêu mến. Kết thúc cuộc kháng chiến, ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và được đề bạt là Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ sức khỏe Trung ương.
Cũng chính trong những năm tháng kháng chiến này, có một lần cô con gái xinh đẹp của ông khi tốt nghiệp phổ thông trên đất Bắc đã viết thư khoe với ba: “Con đã tốt nghiệp phổ thông ba ạ, lại được chọn đi học nước ngoài, con muốn hỏi ý kiến ba là con gái của ba nên theo học ngành nào?”. Vị bác sĩ luôn nghĩ đến nhân dân và có tầm mắt xa rộng này đã ngay lập tức khuyên con: con hãy theo học ngành chế biến sữa. Vì sao? Vì lúc ấy có thể đã hết chiến tranh, dân mình cần có sữa để cải thiện sức khỏe, trẻ em phải có sữa để chống tình trạng suy dinh dưỡng. Người con đã nghe theo lời cha dặn, khi sang Nga đã nhất quyết theo học ngành chế biến sữa, và năm 1976, sau khi tốt nghiệp, chị đã về công tác tại Công ty sữa Việt Nam, hiến dâng tất cả cuộc đời mình cho sự nghiệp sữa mà cha đã dặn. Chị là Mai Kiều Liên, Ủy viên BCH TƯ Đảng Khóa 8, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, là doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Fobes ghi nhận là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á…
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Mai Văn Thông là Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất và Phó ban Bảo vệ sức khỏe Thành ủy TPHCM. Bà Nguyễn Kim Tòng, cũng từ là một bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô về làm trưởng khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Cả hai ông bà tiếp tục sự nghiệp y khoa, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cán bộ và nhân dân TPHCM. Điều rất đáng quý ở ông bà, dù thân quen ân nghĩa với nhiều cán bộ có chức có quyền, nhưng không một lần ông bà cậy nhờ hay xin xỏ cho mình bất cứ một quyền lợi cỏn con nào. Cuộc sống của ông bà ngày ấy thật thanh bạch, mặc dù bối cảnh đất nước còn rất khó khăn về kinh tế. Đó là điều mà nhiều người rất khâm phục ông bà, và con cháu trong nhà luôn lấy đó làm tấm gương đạo đức để noi theo…
TRƯƠNG PHƯƠNG HUY