Người bệnh thiệt, bệnh viện lợi

Để giải quyết tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc tràn lan với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT), phương thức thanh toán chi phí BHYT theo định suất đã được áp dụng tại gần 800 bệnh viện. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, phương thức này với nhiều bất cập đã khiến không ít bệnh viện và cả người bệnh “dở khóc… dở cười”.

BS Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, cho biết thực hiện thanh toán BHYT theo định suất nhưng mức khoán định suất đối với bệnh viện quá thấp, bất hợp lý dẫn tới tình trạng bệnh viện liên tục bị bội chi, chỉ riêng năm 2011 số bội chi của bệnh viện đã lên tới 9,7 tỷ đồng. Để không bội chi, bệnh viện phải tiết kiệm các chỉ định xét nghiệm, hạn chế thuốc men cho bệnh nhân, như vậy khó đáp ứng được nhu cầu, cũng như chất lượng điều trị.

Đại diện một bệnh viện khác cho biết, thực hiện định suất, bệnh viện buộc lòng phải tính toán gói gọn trong số tiền được khoán nhất định. Đáng lẽ phải kê đơn thuốc 500.000 đồng cho bệnh nhân, nhưng do có định suất nên bác sĩ chỉ kê 300.000 hay 400.000 đồng, xét nghiệm cũng sẽ bớt đi để quỹ dư. Trường hợp đến hết năm, quỹ định suất kết dư, cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng như nguồn thu của đơn vị sự nghiệp, nên không ít bệnh viện thắt chặt chi tiêu, chắt chiu hết mức đối với người bệnh. Như vậy việc “co kéo” trong các chỉ định, thuốc men với bệnh nhân đồng nghĩa với việc bệnh viện hưởng lợi còn người bệnh có thẻ BHYT chịu thiệt.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau hơn một năm thực hiện thanh toán chi phí BHYT theo định suất, có đến 418 cơ sở khám chữa bệnh kết dư quỹ với số tiền lên tới hơn 622 tỷ đồng, nhưng cũng có tới 272 cơ sở bị bội chi khoảng 864 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, thanh toán BHYT theo định suất đang lộ nhiều bất cập, nếu bệnh viện kết dư quỹ đồng nghĩa người bệnh chịu thiệt thòi và ngược lại. Hơn nữa việc này cũng cho thấy, việc xác định suất phí chung giữa các địa phương, các tuyến khám chữa bệnh chưa công bằng và linh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bệnh nhân.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách y tế, BHXH Việt Nam, cho biết hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh khi thực hiện thanh toán theo định suất đều bị bội chi quỹ với tỷ lệ khá cao vì số bệnh nhân BHYT tới khám và vượt tuyến nhiều. Do vậy, trước những bất hợp lý này, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ sửa lại cách tính suất phí định suất theo hướng tính chi phí bình quân nhóm đối tượng theo từng tuyến, không tính bình quân chung toàn tỉnh, thành để phù hợp với chi phí thực tế của các bệnh viện. 

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục