Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (28-2-1916 _ 28-2-2016)
Anh hay nói, không có gì nghèo bằng không có tài, không có chí. Thanh niên thì phải đoàn kết, học tập để góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc huyện Châu Thành (nay là huyện An Mỹ, thành phố Cần Thơ), phụ trách tổ chức - kiểm tra, dân quân, thanh niên và văn hóa văn nghệ, tôi thường xuyên tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền lưu động, đi xuống các địa phương xây dựng phong trào kháng chiến. Được kết nạp Đảng ngày 17-9-1947, đến năm 1948 tôi được điều động về công tác ở Phụ nữ tỉnh Cần Thơ. Chúng tôi lập đội văn nghệ đi tuyên truyền cổ động chính sách kháng chiến, tăng gia sản xuất, thi đua yêu nước, thanh niên tòng quân giết giặc giữ làng…
Có một hôm, thầy Trần Chính giới thiệu cô học sinh Kim Cúc với thầy Nguyễn Văn Kỉnh. Với chúng tôi, dường như cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành định mệnh.
Vào một buổi sáng đẹp trời, bỗng tôi nhận được bức thư tay của anh gửi tới hỏi ý kiến tôi với mong muốn tính chuyện lâu dài. Tôi vừa đọc vừa hồi hộp, suy nghĩ quẩn quanh rối bời. Vào một ngày nọ, anh Lương Chí, Bí thư Tỉnh ủy, đến gặp cha mẹ tôi đặt vấn đề cho tôi xây dựng gia đình với anh Nguyễn Thượng Vũ (bí danh của Nguyễn Văn Kỉnh). Sau một thời gian nghĩ suy, cha mẹ tôi chấp thuận và tôi cũng đồng ý.
Vào tháng 11-1950, tại Đại hội Thanh niên cứu quốc tỉnh Cần Thơ, anh Trần Bạch Đằng, Xứ Đoàn trưởng, về dự và đích thân anh thông báo tin vui của chúng tôi cho anh em bằng dòng thông tin ngắn gọn, tình cảm: “Báo tin các bạn mừng, chị Mạc Thị Kim Cúc đã hứa hôn với Nguyễn Thượng Vũ”.
Và buổi lễ thành hôn của chúng tôi được Đảng ủy tổ chức vào ngày 16-9-1951 do anh Lê Đức Thọ làm chủ hôn cho hai đôi tân hôn trong tinh thần tiết kiệm, văn minh, tiến bộ. Ấy là ngày vui và hạnh phúc nhất của chúng tôi: Anh Nguyễn Thượng Vũ - tôi (Mạc Thị Kim Cúc) và một cặp đôi khác là anh Trần Quang Lê - chị Phạm Hồng Đào.
Anh hay khuyên răn tôi: Khi còn sống ở nhà đồng bào, mình vừa là một cán bộ, vừa là “cô dâu”, phải lo mọi việc chu toàn, đồng thời công tác tốt, học tập để nâng cao trình độ. Sáng, tôi dậy sớm quét dọn nhà cửa, sân trước, bồng bế chăm sóc cháu bé con chủ nhà. Đôi khi ngủ dậy muộn thì anh nhắc nhở, làm công tác cách mạng, ở nhà dân mình phải có lối sống đẹp, đi dân nhớ, ở dân thương. Tôi đã noi theo anh từng chút như thế!
Ngay cả trong học tập, noi theo anh và được anh tạo điều kiện, tôi đã phấn đấu học văn hóa từ trung học phổ thông năm 1961 đến năm 1973 đã tốt nghiệp các trường chính trị, văn hóa như Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - Phân hiệu 1; Trường Bổ túc khoa Nga văn Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Lênin - Liên Xô; lớp nâng cao nghiệp vụ của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội…
Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh cùng vợ và con gái Bắc Vũ (Liên Xô - 1958). Ảnh tư liệu
Vì nhiệm vụ, chúng tôi cũng thường xuyên chia xa. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi công tác ở miền Tây, là Bí thư Đảng Đoàn, Hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ, còn anh công tác ở miền Đông - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, nên hai lần tôi sinh con, anh đều không có mặt!
Anh được cử làm đại sứ ở Liên Xô, Roumanie và Albanie khi tôi sinh cháu Bắc Vũ được 2 tháng. Bước sang lĩnh vực công tác mới từ tháng 3-1957, anh tập trung tâm trí nghiên cứu, bởi khi ấy nhiệm vụ của anh khá nặng nề. Anh vừa phải lo tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết với Liên Xô, vừa kêu gọi sự ủng hộ về tinh thần, vật chất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời anh còn phải quan tâm quản lý hàng ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam về mặt tổ chức và giữ đúng quan điểm của Nhà nước ta, không làm điều gì vi phạm đến quan hệ đoàn kết giữa hai nước cũng như luật pháp của nước sở tại.
Có lần anh tâm sự thật lòng với tôi: “Với anh, thứ nhất là vì Đảng, thứ nhì là Esperanto, thứ ba mới tới em”. Tôi nghe anh nói bằng một thái độ rất nghiêm túc và hiểu rằng anh là người sống vì lý tưởng chung của Đảng, vì sự nghiệp to lớn, xây dựng đất nước, lo cho nhân dân ấm no và hạnh phúc. Đối với gia đình, anh quan tâm chăm sóc, một tình yêu thương chung thủy, có trách nhiệm, yêu thương con cái, luôn giáo dục chúng đi đúng hướng. Với tôi, điều này rất đáng quý.
Sống với anh trên 40 năm nhưng tôi thấy anh chỉ khóc một lần, đó là khi Bác Hồ qua đời mà thôi. Anh là con người trầm tĩnh, sống nội tâm, làm nhiều hơn nói, nói ít để lắng nghe anh em mà khi nói là có chất lượng. Anh hay nói, không có gì nghèo bằng không có tài, không có chí. Thanh niên phải đoàn kết, học tập để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nói được làm được, anh đã dùng suy nghĩ và sự tâm huyết đó để dạy dỗ, giáo dục, đồng hành cùng 3 người con của chúng tôi trưởng thành!
MẠC THỊ KIM CÚC
(Phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh)
Lãnh đạo TPHCM viếng đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh
(SGGP).- Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, ngày 25-2, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy đã đến thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh tại nhà riêng của gia đình ở quận 2.
Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, dự kiến hôm nay 26-2, Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”. Theo ban tổ chức, tọa đàm nhằm tôn vinh những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam bộ, nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1945), nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1953-1954), đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TPHCM. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân TP, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, qua đó làm động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.
Đồng chí Lê Thanh Hải và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy thăm hỏi phu nhân cố Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Văn Kỉnh (bìa trái). Ảnh: Dũng Phương
HỒNG HIỆP