Người chăn nuôi heo ngại tái đàn

Là “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước, Đồng Nai có hơn 2,4 triệu con heo cùng hàng ngàn chuồng trại của doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu cung cấp thịt heo trong tỉnh và thị trường lân cận như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, giá thức ăn tăng cao, giá heo hơi lại có xu hướng giảm nên người chăn nuôi heo chưa mặn mà tái đàn.
Người chăn nuôi heo ngại tái đàn

Sau Tết Nguyên đán 2022, giá xăng dầu liên tục tăng kéo theo chi phí vận chuyển, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy giá heo hơi tăng. Cụ thể, đầu tháng 7, giá heo hơi đã vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 75.000-77.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lạc quan. Tuy nhiên, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường thì giá heo bắt đầu giảm.

Khảo sát một vòng quanh các siêu thị, cửa hàng thịt heo tại chợ Biên Hòa, chợ Tân Phong, chợ Tam Hiệp (TP Biên Hòa), hiện giá heo hơi 66.000- 69.000 đồng/kg, nhưng giá các loại thịt heo vẫn ở mức cao, thịt ba rọi 115.000-140.000 đồng/kg, thịt đùi 100.000-130.000đồng/kg, so với đầu tháng 7, mức giá vẫn chưa “hạ nhiệt”. Chị Huyền (chủ cửa hàng thịt heo ở chợ Biên Hòa), cho biết, giá heo hơi đang giảm nhưng giá các loại thịt heo vẫn cao vì nguồn cung chưa ổn định. Hiện các siêu thị trong tỉnh đang triển khai nhiều chương trình giảm giá với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trong đó có thịt heo và cứ đà này, giá heo hơi sẽ tiếp tục giảm.

Còn theo các hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai, thời gian qua, giá thức ăn, con giống và chi phí vận chuyển, vệ sinh chuồng trại đều tăng đã đẩy giá heo hơi tăng cao, nhưng người chăn nuôi vẫn không có lời. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thành phải hơn 60.000 đồng/kg mới hòa vốn. Hiện giá heo hơi tiếp tục giảm, người chăn nuôi sẽ thua lỗ, khó duy trì đàn heo.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá heo hơi đột ngột giảm sâu, doanh nghiệp hầu như không xuất bán được con giống và các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng e ngại trong việc tái đàn, tăng đàn vì sợ thua lỗ. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ với mặt hàng thịt heo từ người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị. Đồng thời, giảm thiểu các khâu trung gian để giảm chi phí, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối thịt heo, hướng tới bình ổn thị trường, gỡ khó cho người chăn nuôi.

Tin cùng chuyên mục