Người chép sử Đà Lạt xưa bằng hình ảnh qua đời

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông, người lưu lại những bức ảnh Đà Lạt xưa nổi tiếng vừa qua đời vào tối ngày 28-2, tại nhà riêng, thọ 92 tuổi.
NSNA Đặng Văn Thông. Ảnh tư liệu
NSNA Đặng Văn Thông. Ảnh tư liệu

Sinh ra tại Ninh Bình, năm 1940 Đặng Văn Thông theo gia đình vào sống ở vùng Trại Mát (ngoại ô Đà Lạt). Khi còn trẻ, gia đình gửi ông đến phụ việc ở hiệu ảnh Dalat Photo tại khu Hòa Bình, trung tâm Đà Lạt.

Tại đây, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông bắt đầu làm quen với nghề nhiếp ảnh. Những ngày sau đó, ông thường rong ruổi trên những nẻo đường ở TP Đà Lạt để ghi lại những khoảnh khắc đẹp.

Nhiều gia đình tại Đà Lạt trân trọng treo tác phẩm ảnh của ông Đặng Văn Thông tại nhà
Nhiều gia đình tại Đà Lạt trân trọng treo tác phẩm ảnh của ông Đặng Văn Thông tại nhà

Năm 1960, ông được nhận vào làm việc tại Nha Địa dư quốc gia, đảm nhiệm công việc chế bản từ bản vẽ qua phim và từ phim qua bản kẽm để in ấn các loại bản đồ. Khi chính quyền cách mạng tiếp quản Đà Lạt, ông tiếp tục làm việc tại Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt thuộc Cục Bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu) đến năm 1990 nghỉ hưu.

Tác phẩm nổi tiếng Chợ Đà Lạt, 1952. Ảnh: ĐẶNG VĂN THÔNG

Tác phẩm nổi tiếng Chợ Đà Lạt, 1952. Ảnh: ĐẶNG VĂN THÔNG

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông nổi tiếng khi chụp hàng vạn bức ảnh, nhiều bức nổi tiếng được chụp vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX. Trong đó, số tác phẩm chụp phong cảnh, đời sống phố phường chiếm số lượng lớn, đây cũng chính là những lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông.

Những bức ảnh do ông chụp bình minh, hoàng hôn, hồ Xuân Hương, hồ Mê Linh, rừng thông, mây và sương, cuộc sống phố phường Đà Lạt được xem là chuẩn mực.

Một góc trưng bày kỷ vật Đà Lạt xưa tại Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức (cũ), trong đó lưu giữ nhiều hiện vật của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông
Một góc trưng bày kỷ vật Đà Lạt xưa tại Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức (cũ), trong đó lưu giữ nhiều hiện vật của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông

Những tác phẩm nhiếp ảnh của ông Đặng Văn Thông khiến người xem có thể cảm nhận rõ không khí phố phường Đà Lạt và nét sinh hoạt đặc trưng của người dân Đà Lạt thời xưa, đến nay nhiều không gian công cộng, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, bảo tàng ở Đà Lạt thường treo trang trí.

Giờ đây, những tác phẩm của ông đã trở thành dấu xưa trong tiếc nuối.

Tin cùng chuyên mục