
Căn phòng nhỏ thoáng mát, bản nhạc cổ điển In a Persian market (Phiên chợ Ba Tư) của Albert William Ketèlbey cất lên dìu dặt, vị bác sĩ nhẹ nhàng hướng dẫn anh trung niên đang nằm ngay ngắn trên giường bệnh: “Hít sâu rồi thở mạnh ra, sau đó thì thở đều! Nhắm mắt lại, hãy tin rằng xung quanh không có gì khiến anh bị xáo trộn. Đuổi hết những suy nghĩ vẩn vơ, những lo âu phiền muộn! Và bây giờ, những âm thanh của bản nhạc sẽ đến với anh…”.
Đó là một buổi trị liệu cho bệnh nhân tâm thần Lê Viết Tuấn (48 tuổi, ở Quảng Điền - Thừa Thiên-Huế) của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai), người đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phương pháp hình tượng hướng dẫn và âm nhạc (Guided Image and Music - GIM) để trị liệu cho bệnh nhân tâm thần.

Có khoảng 30 chương trình âm nhạc cổ điển, mỗi chương trình dài khoảng 40 phút, gồm từ 2-5 đoạn, được biên soạn để sử dụng trong GIM.
Khởi đầu là kích thích hình tượng, tiếp đến là trải nghiệm cảm xúc và kết thúc là những bản nhạc êm đềm để đưa thân chủ quay trở lại trạng thái thức tỉnh bình thường.
Âm nhạc trỗi lên, bác sĩ vừa khai mở cảm thức, hướng dẫn bệnh nhân thư giãn, vừa quan sát mọi phản ứng, cử chỉ của họ.
Tuấn mắc bệnh tâm thần phân liệt đã 11 năm nay, lần đầu tiên được áp dụng toa thuốc âm nhạc đã nhảy dựng lên, vùng chạy. Nhưng nghe nhạc đến lần thứ tư, anh dần bình tâm.
- Anh thấy cái gì mà sợ hãi thế? - Bác sĩ Thọ hỏi.
- Tuấn nghe thấy súng nổ, tiếng hú hét ghê rợn của các nhà sư, điệu cười man rợ của tụi lính, rồi nhà Tuấn bị trúng bom…
- À, anh trở về những ngày tháng 5, tháng 6 năm 1963, lính ngụy rê súng đi đàn áp Phật giáo rồi…
Kết thúc một cữ, bác sĩ lại trò chuyện với bệnh nhân, hỏi những cảm xúc khi nghe nhạc để từ đó tìm hiểu đời sống tiềm thức, những mâu thuẫn tâm lý nảy sinh của họ. Ông Thọ giải thích: “Bệnh nhân tâm thần có cái siêu tôi tức là ý thức đạo đức, tâm lý xã hội, kiềm chế bản năng, những cảm xúc bị dồn nén trong tiềm thức từ thời thơ ấu. Họ phát bệnh vì tâm lý bị ức chế nên cần cho họ nghe nhạc cổ điển để khơi mở”.
Thông qua những tỏ bày của bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ tìm ra nguyên nhân dẫn đến tâm lý bất thường của họ để từ đó biết cách điều trị. Bệnh nhân Tuấn sau 4 lần trị liệu bằng phương pháp này tỏ ra rất tỉnh táo, anh thổ lộ: “Nghe nhạc, Tuấn thấy nhớ mẹ, ngày xưa mẹ giáo dục Tuấn khắt khe lắm, thường bắt Tuấn phải làm lớp trưởng. Tuấn còn thấy lãnh tụ Lênin vì hồi nhỏ ba treo ảnh ông trong phòng… Mỗi lần nghe nhạc xong là Tuấn cảm giác được giải phóng năng lượng, Tuấn muốn cầm cọ và vẽ được nhiều tuyệt tác” (Lê Viết Tuấn trước đây là họa sĩ - P.V.).
***
“Các nhạc công tự giới thiệu đi nào!”. Giọng bác sĩ vừa dứt, một anh chàng nhanh nhảu: “Em là Hoàng - tổ trưởng nốt mi”. “Em là Trang - tổ trưởng nốt đô” - một cô bé xinh xắn tiếp lời. Rồi tiếp đến là: “Quân - fa”, “Thảo - sol”… Ai nấy trong trang phục Êđê, đẹp như nghệ sĩ.
Trên tay mỗi người là một ống nứa. Rồi, vị nhạc trưởng mặc áo blu trắng vung tay lên đến đâu, âm thanh vang lên đầy hứng khởi đến đấy. Khó ai tưởng tượng được tiết tấu rộn rã của bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng) ấy lại được thể hiện bởi những bệnh nhân tâm thần.
***
…Gần 30 năm trước, trong một chuyến tham quan các bệnh viện tâm thần ở Thái Lan, ông Thọ ngạc nhiên khi thấy các bệnh nhân ở đây, dù không hề biết lấy một nốt nhạc nhưng lại có thể múa phím đàn piano như nhạc công chuyên nghiệp.
Thì ra, bí quyết là ở chỗ, toàn bộ nốt nhạc đã được mã hóa thành số tương ứng với 5 ngón tay. Bệnh nhân không cần biết nhạc lý, chỉ cần nhìn số mà đánh theo.
Chứng kiến chuyện ấy, ông mê lắm và muốn mang ngay mô hình này về Việt Nam. Ngặt nỗi, ở nước ta, piano là cây đàn thuộc hàng quý tộc; lại nữa, giả dụ nếu đáp ứng được điều ấy thì trình độ của các bệnh nhân cũng dễ gì tiếp thu. Nhăn mày, bóp trán mãi, hình ảnh cây đàn t’rưng, một nhạc cụ dân tộc thân thuộc, dễ chơi, chợt lóe lên trong ông.
Nhưng, mỗi cây đàn t’rưng cũng chỉ có một người chơi được trong khi bệnh nhân có tới cả ngàn, ông bèn nghĩ đến chuyện làm sao cho mỗi người được đánh một nốt nhạc.
Dỡ tung chiếc đàn t’rưng, ông Thọ và người cộng sự đắc lực - nhạc sĩ Thế Viên - lấy từng ống nứa gõ thử, cái lụp bụp, cái canh cách… Nhưng khi gõ vào miệng để nén hơi thì ống kêu đô, gõ vào giữa cạnh thì thanh kêu fa...
Cả tháng trời xoay trần với đống ống nứa, lúc vát mỏng, khi thay vị trí gõ để chỉnh âm; rồi cắt miếng cao su buộc vào đầu thanh tre, như cái vỉ ruồi để làm bàn vỗ v.v… dàn nhạc nứa nên dạng nên hình.
Từ cây đàn t’rưng chưa đầy hai mươi nốt, bằng cách kết hợp với đàn krôngpút và cặp lắc, ông Thọ và cộng sự đã chế tạo được một dàn nhạc đặc dụng, chia làm 7 tổ ứng với 7 nốt nhạc. Mỗi tổ có một người làm tổ trưởng để dẫn nhịp, mỗi người phụ trách một nốt nhạc, đến lượt mới được đánh.
Lúc mới tập, mọi chuyện cứ lộn tùng phèo. Người phụ trách phải chạy lòng vòng khắp lớp, hết vỗ vai người này đến đập tay người kia. Cũng bởi, bệnh nhân không biết nhạc lý đã đành, bắt họ tập trung vào công việc cũng chẳng khác nào đội đá vá trời.
Thế nên, có những lúc líu ríu thế nào mà cả đội sol đứng sững khiến đội đô dài cổ chờ. Sol chờ đô, rê chờ đô, si chờ mi... thế là đổ! Có anh ngồi ngây ra, lúc bị thầy vỗ vai thì đánh liên hồi như gõ mõ; có cô đang giữ nhịp thì ngủ gục, tỉnh dậy, mặt đỏ bừng, chạy khỏi lớp, trốn biệt…
Những lúc ấy, ông Thọ và các cộng sự lại phải mềm nắn rắn buông, khi đe nẹt, lúc nịnh gãy lưỡi, các bệnh nhân mới chịu tiếp tục tắc tùng. Để mỗi ngày, hàng trăm bệnh nhân thay phiên nhau tập làm nhạc công mà luyện trí nhớ, cảm xúc, phản xạ, sự hòa đồng… là biết bao tâm huyết của những từ mẫu nơi đây.
Khi đã chơi nhạc thành thục, bệnh nhân được áp dụng cấp độ cao hơn, đó là liệu pháp âm nhạc ứng tác. Dựa trên những làn điệu dân ca, câu hò, điệu lý v.v., bệnh nhân tập theo, ban đầu là hát nối, sau là ứng tác dần để tập tư duy nhanh, phản ứng lẹ...
Ông Thọ đúc kết: “Cho bệnh nhân tham gia dàn nhạc là liệu pháp tích cực, đề cao tính tập thể. Lúc nào họ cũng phải tập trung tư tưởng, vì thế mà quên hết bệnh tật, dần thay đổi ý thức, hành vi”. Được lồng ghép vào liệu pháp tâm lý, âm nhạc trở thành chiếc cầu nối giữa bên ngoài với vô thức, bước đầu mở được cánh cửa nội tâm vốn cài then rất chặt nơi người bệnh.
***
Ngày nhỏ, Thọ thường đến chơi nhà bạn ở Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ - Hà Nội). Thấy các ca sĩ, nghệ sĩ tận dụng những khoảnh sân, hành lang, chân cầu thang để luyện thanh, nắn phím… cậu tròn mắt đứng xem. 7 tuổi, cậu xin tiền mẹ mua một cây sáo, một cây đàn harmonica về tập thổi. Thấy các chương trình ca nhạc trên đài, cậu háo hức lắng nghe, kỳ công chép lời và tập hát...
Năm 1967, Thọ vào Đại học Quân y đúng lúc trường chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập. Nhà trường tập hợp những sinh viên yêu thích âm nhạc để thành lập đội văn nghệ phục vụ ngày đại lễ, Thọ ngay lập tức gia nhập dàn đồng ca.
Trong một buổi tập, thấy thầy sửa bài cho một bạn ở nhóm sáng tác, Thọ đứng ngoài xem, nghĩ viết nhạc thế thì có gì khó, thế là lao vào sáng tác và nhanh chóng có hợp xướng tham gia hội diễn nghệ thuật toàn quân.
Năm 1974, Thọ ăn mừng ngày trở thành bác sĩ Quân y bằng ca khúc đầu tay Hương đêm bệnh viện (phổ thơ Cao Ngọc Bích), chỉ vài nét phẩy đã khắc họa rõ nét và thân thương chân dung nàng tiên áo trắng: … Mắt em sáng ngời (mà) chan chứa yêu thương/Tiếng hát dịu dàng em thầm khe khẽ, mà âm vang như tiếng mẹ ngọt ngào/Bàn tay em (mà) như năm cánh hoa, xoa dịu vết thương những người đồng chí/Đời vui các anh đi giành chiến thắng/Trong chiến công chung có cả phần em.
Rồi sau đó là liên tiếp những ca khúc: Hãy ngủ đi anh (1975), Giữ lại sự sống từng phút giây (1981), hợp xướng Nhớ ngày Bác thăm thương binh (1981) v.v… lần lượt ra đời, đoạt HCV Hội diễn nghệ thuật toàn quân các năm 1979, 1984 đã ghi dấu ấn của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ trong làng nhạc.
Ấn tượng đến độ mà năm 1982, Đoàn văn công Phòng không - Không quân đã tha thiết xin Thọ về làm nhạc sĩ sáng tác nhưng Học viện Quân y không cho đi. Miên man về chuyện sáng tác, ông Thọ bảo mình được chắp cho đôi cánh bay đến chân trời của thanh âm cũng là nhờ cái nôi Đại học Quân y nên cũng phải gắng sức mà trả món nợ ơn nghĩa.
Tốt nghiệp, đăng ký nguyện vọng khi được giữ lại trường, cũng chỉ vì mê mẩn cụm từ “âm nhạc trong điều trị tâm thần” mà Thọ quyết định về khoa Tâm thần. Ngày ấy, Giáo sư Lê Hải Chi - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần - đi thực tập ở Đông Đức, thấy họ áp dụng liệu pháp âm nhạc, thích quá, quyết tâm gây dựng mô hình ở Việt Nam.
Gặp được người cùng chí hướng là Thọ, hai thầy trò chung lưng đấu cật. Không có lý luận, họ đành nghĩ đến đâu làm đến đấy, thế là mời các ca sĩ, nghệ sĩ: Quý Dương, Trần Hiếu, Tôn Thất Chiêm, Quang Thọ… về hát cho bệnh nhân nghe, dạy họ hát, đánh đôi ba nốt nhạc tìm vui.
Năm 1990, trước yêu cầu chuẩn bị đội ngũ kế cận, Bộ Y tế đã xin quân đội cho bác sĩ Thọ chuyển ngành về nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2; năm 1991, lên Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, và năm 1998 thì đảm đương chức giám đốc.
Có đất dụng võ, ông Thọ càng quyết tâm thực hiện điều mong ước trọn đời mình: áp dụng liệu pháp âm nhạc vào quá trình điều trị bệnh nhân tâm thần.
Không có tài liệu, ông đành dò dẫm đi: cho bệnh nhân nghe nhạc, dạy họ ca hát, mời các ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp về giao lưu. Mãi đến năm 2000, ông mới bắt đầu được tiếp cận với các nguồn tài liệu. Phần đặt qua mạng, phần nhờ bạn bè đi nước ngoài tìm mua giúp, được cuốn nào ông ngấu nghiến đọc, áp dụng ngay.
“Tôi triển khai tất cả các phương pháp có trên thế giới vào điều trị bệnh nhân. Có những điều trước đây mình mày mò làm theo kinh nghiệm, theo cảm tính, nay đọc tài liệu khoa học của thế giới mới biết hóa ra mình đã áp dụng từ lâu, nay mới biết gọi tên…” – ông kể.
- Ai cũng biết, trong điều trị bệnh tâm thần, liệu pháp tâm lý xã hội chiếm 50% công việc. Đây là việc làm đầy nhân bản, trả lại cho họ quyền vận động, quyền tái hòa nhập cộng đồng. Thế tại sao ở Việt Nam, chỉ có Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 áp dụng song hành y - nhạc? - Tôi hỏi.
- Thì chắc cũng bởi tôi mê nhạc và ưa mày mò. – ông trả lời kèm nụ cười tinh nghịch.
Có lẽ cũng nhờ ông giám đốc mê nhạc mà chưa ở đâu như bệnh viện này, hàng năm đều có hội diễn văn nghệ được tổ chức quy mô để toàn thể y, bác sĩ và bệnh nhân cùng nắm tay nhau cất cao lời ca tiếng hát.
Có đâu như ở đây, bệnh viện tâm thần mà lại có đội văn nghệ được tổ chức bài bản, không chỉ chuyên đi biểu diễn phục vụ các hoạt động trong ngành mà nhạc công, ca sĩ, diễn viên múa của đội còn đi “đánh show” khắp nơi như dân chuyên nghiệp.
Dẫn tôi tản bộ quanh khuôn viên ngôi nhà thứ hai của mình, ông Thọ ghìm những cơn ho húng hoắng để khi hào hứng chỉ cho khách một cây thuốc đặc dụng; khi ghé vào một lớp học để tận tình hướng dẫn bệnh nhân chơi nhạc; lúc lại nghêu ngao đôi câu hát… chả màng gì đến cái tuổi chồn chân mỏi gối.
Tuyệt nhiên, tôi không thấy ông đả động gì đến chuyện mình góp công lớn vào thành quả: năm 2004, lần đầu tiên cái “nhà thương điên” với 20 khoa và 1.500 bệnh nhân này được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba; năm 2005, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới và bản thân ông cũng đã là Thầy thuốc nhân dân từ ngày 26-2-2008
THẢO LƯ